Việt Nam đảm bảo vững chắc an ninh lương thực Quốc gia

PTĐT - Ngày 18/3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án 'An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020'. Đồng chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng.

Ảnh Chinhphu.vn

Ảnh Chinhphu.vn

PTĐT - Ngày 18/3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”. Đồng chủ trì hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tham dự có Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng.Đại diện điểm cầu Phú Thọ có Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải.

Sau 10 thực hiện Đề án “ANLT quốc gia” (giai đoạn 2009 - 2019), giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp đạt 2,61%/năm. Sản xuất hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia. Sản lượng lúa tăng 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người đạt trên 525kg/năm. Việt Nam đã đảm bảo được ANLT và mỗi năm xuất khẩu từ 5 - 7 triệu tấn gạo. Thu nhập người trồng lúa cơ bản đảm bảo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất. Các sản phẩm chăn nuôi đã đáp ứng nhu cầu trong nước và bước đầu xuất khẩu với giá trị sản xuất tăng 5,2%/năm. Nuôi trồng thủy sản tập trung vào các sản phẩm có lợi thế, giá trị tăng 69,1%.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong 10 năm thực hiện Đề án, từ đó đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương có giải pháp, chỉ đạo khắc phục từng bước. Trong đó cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đảm bảo ANLT quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 cả nước sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa. Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới theo 3 trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm chủ lực địa phương theo mô hình “Mỗi xã 1 sản phẩm”), từ đó, đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực cả về số lượng, chất lượng và xuất khẩu. Các vùng, các địa phương cần phát huy lợi thế để phát triển nông nghiệp đặc trưng. Tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất lương thực thực phẩm nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để thay đổi phương thức sản xuất lương thực truyền thống sang hiện đại; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân tạo thành chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu các nguồn giống đáp ứng với biến đổi khí hậu. Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ trong quản lý, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác các thông tin về nhu cầu thị trường lương thực, thực phẩm trong nước và quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế đối với các lĩnh vực mang tính quốc gia và toàn cầu ảnh hưởng đến ANLT quốc gia như: Biến đổi khí hậu, nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh cây trồng, phát triển khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm...

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/tin-noi-bat-trong-tinh/202003/viet-nam-dam-bao-vung-chac-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-169820