Việt Nam dẫn đầu top 10 quốc gia châu Á, nơi người lao động phát triển nhất
Hầu hết chúng ta dành phần lớn thời gian tại nơi làm việc, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi công việc có thể có tác động lớn đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc tổng thể. Trong khi công việc có thể gây thêm căng thẳng, buồn bã và tức giận cho cuộc sống, một số người cũng tìm thấy sự thỏa mãn, mục tiêu và hạnh phúc thông qua công việc.
Theo báo cáo Tình trạng nơi làm việc toàn cầu năm 2024 của Công ty tư vấn và phân tích đa quốc gia Gallup, 34% người tham gia khảo sát trên toàn cầu cho biết, họ đang “phát triển”, trong khi 58% đang phải “vật lộn”. Khoảng 8% những người được khảo sát trên toàn cầu thừa nhận họ đang “chịu đựng” trong công việc.
Tại châu Á, Việt Nam dẫn đầu danh sách 10 quốc gia hàng đầu trong khu vực, nơi có tỷ lệ cao nhất người được hỏi cho biết họ đang “phát triển”, với tỷ lệ 51%.
Tiếp theo trong danh sách này là Đài Loan (Trung Quốc) ở mức 41%, Singapore (39%), Thái Lan (37%), Philippines (36%), Trung Quốc (36%), Hàn Quốc (34%), Malaysia (31%), Nhật Bản (29%), và Mông Cổ (29%).
“Báo cáo thường niên này thể hiện tiếng nói chung của người lao động toàn cầu. Trong báo cáo năm nay, chúng tôi xem xét vai trò của công việc đối với sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của người lao động”, Gallup cho biết.
Theo đó, những lao động đang “phát triển” báo cáo vấn đề về sức khỏe ít hơn đáng kể và ít lo lắng, căng thẳng, buồn bã, cô đơn, trầm cảm và tức giận hơn. Họ cũng có nhiều hy vọng, hạnh phúc, năng lượng, sự quan tâm và tôn trọng hơn.
Nghiên cứu nhằm đánh giá sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của người lao động, đồng thời đo lường sự gắn bó thông qua những trải nghiệm tích cực như phát triển và hưởng thụ, cũng như những trải nghiệm tiêu cực như căng thẳng, tức giận, lo lắng, buồn bã và cô đơn.
Cuộc thăm dò toàn cầu của Gallup đã khảo sát dân số trưởng thành tại hơn 160 quốc gia và khu vực trên thế giới. Dữ liệu cho báo cáo này được thu thập vào năm 2023 bao gồm kết quả từ hơn 128.000 người trả lời đang có việc làm.
Theo nghiên cứu của Gallup, các quốc gia châu Âu thống trị danh sách 10 quốc gia có tỷ lệ cao nhất những người lao động đang “phát triển” trên quy mô toàn cầu; khi có 7 quốc gia trong khu vực này lọt vào top 10.
Đây cũng là khu vực ghi nhận tỷ lệ thấp nhất người lao động “đang theo dõi hoặc tích cực tìm kiếm công việc mới”, và tỷ lệ thấp thứ hai về người lao động “trải qua nỗi buồn hàng ngày”.
Đáng chú ý, châu Âu ghi nhận “tỷ lệ người lao động gắn bó thấp nhất trong khu vực”, ở mức 13%; tuy nhiên, khu vực này cũng được biết đến với các biện pháp bảo vệ lao động mạnh mẽ. Ngược lại, Mỹ xếp hạng cao hơn về mức độ gắn bó của người lao động.
Australia nằm trong top 10 với 60% số người được hỏi cho biết họ đang “phát triển” và 21% gắn bó với công việc. Ở Costa Rica, 62% số người được hỏi cho biết họ đang “phát triển”, trong khi 34% “gắn bó” với công việc.
“Khi người lao động nhận thấy công việc và các mối quan hệ công việc của họ có ý nghĩa, việc làm gắn liền với mức độ hưởng thụ hàng ngày cao, và mức độ thấp đối với mọi cảm xúc tiêu cực hàng ngày. Đáng chú ý, một nửa số lao động gắn bó với công việc đang phát triển mạnh mẽ trong cuộc sống nói chung”, theo báo cáo nói trên.
Ngoài ra, khi người quản lý gắn bó, người lao động cũng có nhiều khả năng gắn bó hơn. Trong các tổ chức có phương pháp thực hành tốt nhất, 3/4 số nhà quản lý đều gắn bó. Trách nhiệm không chỉ thuộc về người lao động, mà còn thuộc về các tổ chức. Khi các công ty thực hiện các biện pháp bảo vệ lao động cần thiết và tuyển dụng những người quản lý mạnh mẽ, gắn bó và được đào tạo tốt, những lao động gắn bó có thể phát triển mạnh mẽ cả ở nơi làm việc và cuộc sống.