Việt Nam đang bán hồ tiêu nhiều nhất sang khu vực châu Á

Nửa đầu năm 2024, Việt Nam bán hồ tiêu nhiều nhất sang khu vực châu Á, chiếm 39,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên, so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 37,6%.

Lượng xuất khẩu giảm nhẹ, giá trị tăng mạnh

Theo Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 125.959 tấn, tiêu trắng đạt 16.627 tấn.

Việt Nam đang bán hồ tiêu nhiều nhất sang khu vực châu Á

Việt Nam đang bán hồ tiêu nhiều nhất sang khu vực châu Á

Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 634,2 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 539,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 6,8%, tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%. Giá tiêu đen xuất khẩu bình quân 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 6 tháng năm 2023.

Đứng đầu xuất khẩu tiêu đen tiếp tục là doanh nghiệp Olam Việt Nam đạt 13.278 tấn, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Phúc Sinh đạt 11.339 tấn, tăng 37,5%; Nedspice Việt Nam đạt 10.349 tấn, tăng 8,5%; Haprosimex JSC đạt 10.054 tấn, tăng 58,8% và Trân Châu đạt 9.066 tấn, giảm 8,7%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Olam Việt Nam đạt 2.400 tấn; Nedspice Việt Nam đạt 2.352 tấn; Phúc Sinh đạt 1.191 tấn... Khối các doanh nghiệp trong VPSA xuất khẩu chiếm 85,8% và tăng 35,3%, các doanh nghiệp ngoài VPSA xuất khẩu chiếm 14,4% và giảm 67,2% so với cùng năm 2023.

Thị phần xuất khẩu tính theo châu lục (VPSA và Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Thị phần xuất khẩu tính theo châu lục (VPSA và Tổng cục Hải quan Việt Nam)

Về thị trường, xuất khẩu hồ tiêu sang khu vực châu Mỹ tăng 42,5%, chiếm 28,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ là khách hàng mua nhiều nhất tại khu vực nay, ghi nhận mức tăng 44,6% đạt 37.435 tấn, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Tiếp theo là khu vực châu Âu với tăng trưởng xuất khẩu 39,4% và chiếm 25,5% thị phần. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tại châu Âu bao gồm: Đức đạt 9.526 tấn, tăng 106,7%; Hà Lan đạt 6.019 tấn, tăng 52,1%; Nga đạt 3.564 tấn, tăng 46,6%; Thổ Nhĩ Kỳ đạt 3.151 tấn, tăng 20,9%, Anh đạt 2.952 tấn, tăng 10,3%.

Thị phần khu vực châu Á đứng đầu, chiếm 39,4% thị phần, tuy nhiên, so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 37,6%, trong đó chủ yếu là giảm từ thị trường Trung Quốc. Các thị trường xuất khẩu chính tại châu Á bao gồm: UAE đạt 8.388 tấn, tăng 15,2%; Ấn Độ đạt 8.173 tấn, tăng 45,7%; Trung Quốc đạt 7.453 tấn, giảm 85,2%, Philippine đạt 4.811 tấn, tăng 16,1%; Pakistan đạt 4.284 tấn, tăng 85,7% và Hàn Quốc đạt 3.994 tấn, tăng 92,9%.

Xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 14,1%, đứng đầu là Ai Cập đạt 3.898 tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức đạt 2.454 tấn, Hoa Kỳ đạt 2.044 tấn, Hà Lan đạt 1.779 tấn, Thái Lan đạt 1.732 tấn…

Giá tiêu đen xuất khẩu tháng 6/2024 đạt 5.067 USD/tấn, tăng tới 31,6% so với tháng 1/2024 đạt 3.851 USD/tấn. Trung bình 6 tháng đầu năm giá tiêu đen xuất khẩu tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung thiếu hụt do sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc giá tiêu tăng trong 3 tháng vừa qua.

Dự báo, nguồn cung xuất khẩu vẫn khó

Xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đạt 142,5 ngàn tấn so với sản lượng thu hoạch năm 2024 đạt khoảng 170 ngàn tấn thì sản lượng còn lại ước đạt khoảng 28 ngàn tấn. Tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 khoảng 40-45 ngàn tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch) cho thấy nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch. Sản lượng hồ tiêu sản xuất ở các quốc gia khác gồm Brazil, Indonesia dự báo giảm trong năm cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các tháng cuối năm 2024.

Về phía thị trường Trung Quốc, năm 2024 nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự báo, nhu cầu chi tiêu của người dân thắt chặt hoặc lượng hàng tồn vẫn còn đủ dùng là một trong các nguyên nhân khiến Trung Quốc tiếp tục hạn chế thu mua từ Việt Nam, cho dù lượng nhập khẩu từ Indonesia 5 tháng tăng đến 46,4% (997 tấn) so với cùng kỳ 6 tháng 2023. 4 tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận Trung Quốc xuất khẩu 2.266 tấn, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường trong nước, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA - thông tin, đợt khảo sát đánh giá hiện trạng 3 tỉnh Tây Nguyên vào đầu tháng 7 của Hiệp hội cho thấy việc duy trì và sản xuất hồ tiêu của người nông dân ngày càng bị cạnh tranh bởi cây sầu riêng và cà phê.

Diện tích trồng mới có ghi nhận nhưng không nhiều, chủ yếu trồng xen hồ tiêu với cà phê với tỷ lệ 6-2. Sản lượng vụ tới có thể tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2024. Lượng hàng tồn trong dân không còn nhiều, tình trạng sâu bệnh hại vẫn còn nhưng không đáng kể, người dân xử lý được một số bệnh phổ biến như: vàng lá, chết chậm, bọ xít lưới, đốm tảo, tuyến trùng.

Ngay sau thời điểm vụ thu hoạch 2024 một đợt nắng hạn kéo dài gần 100 ngày đã làm nhiều vườn tiêu già cỗi tiếp tục bị suy thoái thêm. Tiếp theo, những cơn mựa nặng hạt vào tuần thứ 3 của tháng 5 tại các tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã giúp giải hạn cho các vườn tiêu sau nhiều ngày bị nắng hạn. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn đã khiến cho một số vườn tiêu bị ngập úng nguy cơ bị nhiễm bệnh và dân đang cố gắng chăm bón để phòng bệnh chết nhanh. Tình trạng mưa nhiều cũng diễn ra vào giữa tháng 7 tại Đắk Lắk và Bình Phước làm cho các vườn tiêu dễ rụng trái, thiếu dinh dưỡng, bị vàng lá, ngập úng, nhiễm sâu bệnh hại…

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân. Tiếp sau đó là hiện tượng La Nina càng làm cho tâm lý người nông dân thêm xao động, nhất là trong thời điểm hiện tại giá sầu riêng và cà phê đang ở mức cao nên vẫn chưa đủ hấp dẫn để người nông dân tái canh hồ tiêu ồ ạt.

Để đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu và cây gia vị, bà Hoàng Thị Liên cho biết, VPSA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và xin phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án “Tuyên truyền, quảng bá phát triển bền vững ngành Hồ tiêu và gia vị Việt Nam giai đoạn 2024 - 2026”. Tiếp tục phối hợp với các bên liên quan và Cảng vụ Hàng hải TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng cập nhật tình hình và giải quyết việc thiếu hụt hàng hóa trên tinh thần bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thành viên. Tổ chức khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên dự kiến vào tháng 11 và tháng 12/2024.

Top 30 thị trường xuất khẩu hồ tiêu 2022 - 2024 (đơn vị: tấn)

(Nguồn VPSA)

(Nguồn VPSA)

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-dang-ban-ho-tieu-nhieu-nhat-sang-khu-vuc-chau-a-336096.html