Việt Nam đang có 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại
Việt Nam đang có năm yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Chiều 16-1, tại TP Đà Nẵng diễn ra Hội thảo phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình.
5 yếu tố then chốt
Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho hay, Việt Nam đang có năm yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Thứ nhất, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỉ USD. Quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới. Bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 - 4.700 USD. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức hai con số trong những năm tới.
Thứ hai, đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỉ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất khu vực.
Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với hơn 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỉ USD, gấp 1,7 lần GDP.
Thứ năm, Việt Nam có chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Theo ông Đỗ Thành Trung, Đà Nẵng đang hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” khi có đầy đủ các lợi thế, tiềm năng, yêu cầu phát triển và quyết tâm chính trị cho việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực.
Các nhà đầu tư, tổ chức tư vấn quốc tế nhận định Đà Nẵng có tiềm năng phát triển và hợp tác với các trung tâm tài chính quốc tế khác để tận dụng lợi thế về múi giờ, sự ổn định chính trị, thể chế, điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
“Việc xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực là cần thiết để phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế và các dịch vụ phụ trợ có tiềm năng, lợi thế; huy động nguồn lực tài chính quốc tế trong sự phát triển đột phá của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng, của đất nước nói chung”, ông Trung nhấn mạnh.
Không ít thách thức
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho hay, để chuẩn bị xây dựng trung tâm tài chính, TP đã bố trí hai quỹ đất sạch 6,17ha và 9,7ha với vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất Việt Nam. Trong dài hạn, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62ha.
Các tổ chức, quỹ đầu tư tài chính khi nghiên cứu đầu tư vào Đà Nẵng rất quan tâm đến việc phát triển trung tâm tài chính theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng.
Môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của Đà Nẵng tạo nên sự kết hợp khác biệt, thúc đẩy giao lưu hợp tác và đầu mối giao thương của tất cả các bên trong chuỗi giá trị toàn cầu đang dịch chuyển.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, mục tiêu phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng dựa trên điều kiện nền tảng chung của cả quốc gia với tình hình chính trị ổn định, quy mô nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng cao, độ mở lớn và hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Đặc biệt nước ta có múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, cũng như vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới.
Từ lợi thế của quốc gia là điều kiện nền tảng, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển trung tâm tài chính.
“Để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành trung tâm tài chính quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TP.HCM, không chỉ là quyết tâm, trách nhiệm mà còn đòi hỏi nỗ lực thực hiện, vừa học vừa làm, phối hợp cùng nhau giữa Trung ương, các bộ ngành và các địa phương”, ông Mãi cho hay.
Hội thảo sẽ xúc tiến ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác như: Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội; xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và phát triển trung tâm tài chính Đà Nẵng với một số tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và đơn vị có liên quan.