Việt Nam đang khẳng định vị thế số 1 về tôm chế biến sâu trên thị trường toàn cầu
Tôm chế biến sâu Việt Nam đang giữ vị thế hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia, đang nâng cao thị phần ở EU và duy trì thị phần khoảng 10% ở Mỹ...
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), doanh nghiệp đang chủ động đầu tư cho tôm chế biến sâu, tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp.
Điển hình như tại thị trường Australia, trong tổng cơ cấu tôm xuất khẩu sang đâya 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ xuất khẩu tôm chế biến sâu chiếm 40%, tôm nguyên liệu đông lạnh chiếm 60%. Giá trị xuất khẩu tôm chế biến đạt gần 70 triệu USD, tăng 41% trong khi giá trị xuất khẩu tôm đông lạnh đạt 101 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
TS. Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX), Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho biết, trên thế giới hiện có 6 nước nuôi tôm đạt sản lượng cao là Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan; trong đó, Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam là 3 nước có sản lượng tôm cao nhất. Xét về trình độ chế biến của các nước xuất khẩu tôm lớn hiện nay thì Việt Nam là cao nhất.
“Mảng sáng nhất của ngành tôm Việt Nam là trình độ chế biến và sách lược thị trường khá tốt so với các đối thủ. Do vậy, giá tôm tiêu thụ trung bình của Việt Nam là cao nhất và Ecuador là thấp nhất”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FIMEX khẳng định.
Lợi thế về chế biến sâu của doanh nghiệp Việt Nam đã rõ, vậy các doanh nghiệp FDI thì sao? Để hiểu hơn về hoạt động của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến sâu, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Chen, Hsin Ming - Chủ tịch HĐQT Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thủy sản Simmy.
Ông có thể giới thiệu đôi nét về hoạt động công ty Simmy cùng quá trình đến Việt Nam đầu tư vào ngành tôm?
Năm 2005, chúng tôi đến Việt Nam đầu tư sản xuất mặt hàng thủy sản đông lạnh và thực phẩm chế biến. Năm 2006 xây dựng xong nhà máy thủy sản ở tỉnh Long An, đến năm 2008 mở rộng vùng nuôi tôm ở Bến Tre, đến nay Simmy có vùng nuôi 50 ha và một nhà máy chế biến tôm.
Với mong muốn gửi tới khách hàng chất lượng dịch vụ tốt nhất, chúng tôi luôn hướng tới sản xuất các sản phẩm thủy sản đạt tiêu chuẩn về an toàn và chế độ ăn uống lành mạnh giúp khách hàng an tâm sử dụng là phương châm của Simmy.
Để quản lý được chất lượng nguyên liệu đầu vào, chúng tôi sản xuất theo quy trình khép kín từ vùng nuôi, chế biến đến cấp đông sử dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh thay vào đó là những phương pháp nuôi trồng tự nhiên.
Các sản phẩm chính của công ty là tôm bóc vỏ đông lạnh và thực phẩm chế biến từ tôm và đặt mục tiêu doanh số 50 triệu USD/năm. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên doanh số năm 2021 và 2022 giảm còn 20 triệu USD, nhưng chúng tôi có kế hoạch đưa doanh thu lên 50 triệu USD vào năm 2023.
Ngoài thị trường xuất khẩu, Simmy cũng đang cung cấp các sản phẩm chế biến từ tôm cho thị trường trong nước, đặc biệt cung cho chuỗi nhà hàng Hailidao ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Riêng chuỗi nhà hàng Hailidao ở Việt Nam, Simmy cung cấp 8 sản phẩm chế biến từ tôm, gồm: Tôm phỉ thúy, tôm khoai mỡ, tôm viên phô mai, tôm viên tempra phô mai và tôm templa... với doanh số khoảng 5,7 tỷ đồng/ tháng.
Hiện Hailidao đang có 8 nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh, 5 nhà hàng ở Hà Nội có và một nhà hàng tại Nha Trang.
Từ khi đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh vào ngành tôm, ông đánh giá như thế nào về mức độ phát triển của ngành tôm Việt Nam?
Trước đây Simmy nuôi và xuất khẩu tôm ra thị trường các nước nhưng hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, tầng lớp người trung lưu đang tăng lên nhanh và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm cũng tăng lên theo, nên Simmy đang chuẩn bị chuỗi cửa hàng bán lẻ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, và đã mở được một cửa hàng.
Với đà phát triển như hiện nay tôi nghĩ rằng ngành tôm Việt Nam sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa và đứng đầu thế giới, vì Việt Nam có điều kiện nuôi rất tốt, công nhân có tay nghề cao. Giai đoạn trước, trong lĩnh vực chế biến sâu thì Thái Lan và Trung Quốc phát triển hơn Việt Nam, nhưng hiện nay Việt Nam đã vượt qua hai nước này và đang đứng đầu thế giới về chế biến sâu.
Ông nghĩ sao về mục tiêu phát triển ngành tôm lên 10 tỷ USD/năm của Chính phủ Việt Nam, và kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty Simmy như thế nào?
Sau Hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam tại tỉnh Cà Mau tháng 2/2017, đặc biệt là Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ và Nghị quyết 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành tháng 11/2017, ngành tôm Việt Nam đã có nhiều chuyển biến.
Hiện công suất nhà máy chế biến của công ty vào khoảng 50 triệu USD/năm, công ty đang có kế hoạch phát triển lớn hơn và hướng đến mục tiêu 500 triệu USD/năm, Simmy có kế hoạch đi tìm những vùng đất thích hợp để có thể phát triển vùng nuôi.
Tốc độ phát triển nền kinh tế ở Việt Nam là rất nhanh, để có thể đảm bảo sản xuất và đạt sản lượng mục tiêu trên Simmy sẽ nhập khẩu các máy móc từ nước ngoài cũng như từ Đài Loan về trang bị cho nhà máy chế biến tôm của công ty.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới, chính những FTA này là trợ lực đắc lực cho các công ty tôm ở Việt Nam có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh, và Simmy sẽ dựa vào các nguồn lực đó của Việt Nam để phát triển. Nhìn chung kế hoạch này của công ty sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Trong tổng sản phẩm của công ty, có bao nhiêu % dành cho xuất khẩu và bao nhiêu % để lại phục vụ thị trường nội địa?
Hiện nay, có đến 90% sản lượng sản phẩm chế biến sâu của công ty là xuất khẩu, 10% còn lại để phục vụ thị trường trong nước. Các thị trường xuất khẩu của công ty là Mỹ, Canada, Anh Quốc, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan.
Mặc dù tình hình thế giới đang lạm phát cao, chi phí vận chuyển cũng chưa hạ nhiệt nhưng xuất khẩu của Simmy không bị ảnh hưởng, vì sản phẩm xuất khẩu của Simmy là các mặt hàng chế biến sâu nên có giá trị phụ rất cao.