Việt Nam đang phát triển 4 trợ lý ảo để phục vụ người dân

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các doanh nghiệp trong nước đang phát triển 4 trợ lý ảo phục vụ người Việt Nam. Đây là 4 trợ lý ảo sẽ thay đổi căn bản cách sống và làm việc của người Việt.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam

Đó là trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật, trợ lý ảo tòa án để giảm bớt công việc cho các thẩm phán, trợ lý ảo hỗ trợ bộ máy cán bộ công chức và trợ lý ảo hỗ trợ tư pháp cho người dân.

Cụ thể, trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp, thông qua việc phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật vốn hiện nay đã nhiều đến mức quá sức phát hiện của con người.

Trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định. Cán bộ, công chức đặt câu hỏi về công việc và trợ lý ảo sẽ tìm ra câu trả lời từ các quy định pháp luật liên quan. Trợ lý ảo sẽ giống như mặt bằng kiến thức của cán bộ, công chức. Làm việc với trợ lý ảo thì giống như là đứng trên một hệ thống kiến thức, chất lượng cán bộ, công chức vì vậy được nâng lên đáng kể.

Trợ lý ảo hành pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định.

Trợ lý ảo hành pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định.

Trợ lý ảo ngành tư pháp là trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán, cụ thể là hỗ trợ tra cứu pháp luật (như tra cứu án lệ, bản án liên quan, giải đáp tình huống pháp lý), hỗ trợ công việc của thẩm phán. Trợ lý ảo này đã được đưa vào hoạt động và đã giúp giảm thời gian xử lý của thẩm phán giảm tới 30%.

Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân sẽ trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, đến các quy định của nhà nước. Mặt bằng dân trí được nâng cao cũng là cách để thúc đẩy chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Thông tin về 4 trợ lý ảo này được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu trong Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần 3 triệu công viên chức, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực nhờ trí tuệ nhân tạo.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã bước vào năm thứ 4 chuyển đổi số. Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm nhận thức về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022, là năm hành động, là năm chúng ta xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới, là năm đưa mọi hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.

Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu, là năm tạo ra các kết quả thiết thực. Đây là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, mà đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, năm 2023 cũng là năm bùng nổ của các ứng dụng AI. ChatGPT là minh chứng rõ ràng nhất cho việc trợ lý ảo có thể hỗ trợ cho con người tốt như thế nào.

"Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức, viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần 3 triệu công viên chức, cho hàng trăm triệu người dân đã trở thành hiện thực", Bộ trưởng Hùng cho hay.

Trợ lý ảo phải được triển khai diện rộng để thu thập hành vi người dùng

Trước đó, ngày 9/10, tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 3 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace, đại diện nhóm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo dùng cho công chức cho biết, đơn vị đã phát triển xong phiên bản trợ lý ảo đầu tiên là trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp.

Trợ lý ảo Viettel có khả năng cung cấp câu trả lời về 20.000 văn bản pháp luật còn hiệu lực. Các văn bản pháp luật đã được cập nhật vào trợ lý ảo bao gồm luật, nghị định, thông tư của các bộ, ban, ngành.

Tại Hội nghị, trợ lý ảo hành pháp đã được thử nghiệm để trả lời nhiều câu hỏi của cán bộ, công chức tham dự phiên họp.

Trợ lý ảo cần phải được triển khai trên diện rộng để qua đó thu thập hành vi, phản hồi từ người dùng nhằm nâng cao hiệu suất. Do vậy, Viettel Cyberspace đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có chính sách hỗ trợ để việc triển khai trợ lý ảo công chức được thuận lợi.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-dang-phat-trien-4-tro-ly-ao-de-phuc-vu-nguoi-dan-post776981.html