Việt Nam đang tồn tại tình trạng chênh lệch mức sinh rất cao
Mức sinh cao tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước...
Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19% trong khi có tới 33 địa phương có mức sinh cao (trên 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số. Đáng chú ý, tình trạng mức sinh cao đang duy trì chủ yếu ở nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Đây là bài toán thách thức đặt ra cho ngành dân số để điều chỉnh mức sinh trong thời gian tới.
Chênh lệch mức sinh giữa các vùng rất cao
Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú cho hay sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng dân số được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng cao.
Từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh (đạt 73,4 tuổi vào năm 2016), cao hơn nhiều nước có cùng ức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện…
Tuy nhiên công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này được thể hiện ở mức sinh giữa các vùng miền còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; người ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng con còn đẻ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dân số; chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp.
Đáng lưu ý tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao; tầm vóc, thể lực người Việt Nam chậm được cải thiện; tuổi thọ bình quân tăng trưởng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với nhiều nước...
Ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số-kế hoạch hóa gia đình cho biết Việt Nam vẫn đang có chênh lệch mức sinh rất cao. Từ năm 2014, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có mức tăng cao trở lại nhanh như Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình; Bắc Trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đang có mức sinh 2,83 con - là vùng có mức sinh cao nhất cả nước.
Cả nước chỉ có 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19% gồm: Ninh Thuận, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.
Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục của địa phương và cả nước. Trong khi đó, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Linh hoạt trong kiểm soát mức sinh
Theo ông Mai Trung Sơn, kinh nghiệm thế giới cho thấy Việt Nam nên có chính sách kiểm soát mức sinh linh hoạt cho các tỉnh, thành phố trên cơ sở khung mức sinh của quốc gia. Do đó, cần phải có chính sách kiểm soát mức sinh cần điều chỉnh kịp thời khi mức sinh có xu hướng giảm và giảm sâu.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết mục tiêu đặt ra cho ngành dân số trong tình hình mới cần phải điều chỉnh mức sinh, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.
Việc điều chỉnh này sẽ giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần giảm khoảng cách chênh lệch hoặc làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư, giảm đói nghèo ở các khu vực khó khăn, nơi thường có mức sinh cao.
Trên thế giới chưa có nước nào thành công trong việc đưa về mức sinh thay thế khi mức sinh giảm sâu. Vì vậy, Việt Nam cần chú trọng can thiệp ngay khi có dấu hiệu xu hướng mức sinh giảm ở phạm vi rộng để tránh việc mức sinh xuống thấp.
“Việt Nam có một nửa số tỉnh có mức sinh cao, chúng ta không nên để mức sinh quá cao trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở những tỉnh này còn nhiều khó khăn, hạn chế”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Doãn Tú cho rằng ở địa phương có mức sinh cao cần tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hiện hành các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên. Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của địa phương để thực hiện cuộc vận động “Dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt.”
Ở địa phương đã đạt mức sinh thay thế, căn cứ tình hình thực tế cần rà soát, từng bước bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, từng bước đề xuất ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình.
Đối với những tỉnh có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình xác định nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ và hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Ở địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3.
Bộ Y tế cũng sẽ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: Hỗ trợ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng…/.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chia sẻ về công tác dân số: