Việt Nam đang trong 'thời khắc vàng' đón kiều bào quay về quê hương cống hiến

Với các chính sách đang ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện, đây là 'thời khắc vàng' để kiều bào quay về Việt Nam thành lập công ty, có cơ hội phát triển.

Năm 2003, ước tính có khoảng 2,7 triệu người Việt Nam ở nước ngoài nhưng con số này vào năm 2024 là khoảng 6 triệu người, sinh sống và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Qua nhiều năm, kiều bào đã trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình dựng xây và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu, mạnh. Nhiều kiều bào còn đóng vai trò là nhịp cầu vun đắp tình hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến bạn bè năm châu.

 Lãnh đạo Trung ương và TP.HCM gặp kiều bào đầu xuân, tháng 2-2024. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lãnh đạo Trung ương và TP.HCM gặp kiều bào đầu xuân, tháng 2-2024. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tạo diễn đàn để nghe kiều bào hiến kế

Trao đổi với PLO, TS Ngô Phẩm Trân, kiều bào Đài Loan, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam - Đài Loan, chia sẻ bản thân bà và nhiều kiều bào khác dù sống xa quê hương nhưng luôn khắc nhớ mang trong mình dòng máu Việt Nam và luôn đau đáu làm sao chứng minh được vị thế của người Việt ở nước sở tại.

“Tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập đến trong các phát biểu gần đây về ‘tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc’ là nguồn động lực thôi thúc tôi và các kiều bào sống xa quê hương cố gắng phát huy hơn nữa vai trò của mình để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”- bà Trân tâm tư.

 TS Ngô Phẩm Trân, kiều bào Đài Loan. Ảnh: NVCC

TS Ngô Phẩm Trân, kiều bào Đài Loan. Ảnh: NVCC

Bà Trân đánh giá các chính sách hiện tại của Việt Nam đang ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện nhiều hơn để kiều bào quay về Việt Nam thành lập công ty, có cơ hội phát triển, được khởi nghiệp và nhận nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban, ngành.

“Tôi tin tưởng đất nước mình sẽ có thêm những chính sách cởi mở hơn để kiều bào " - bà Trân nói và cho rằng cần có thêm nhiều đơn vị làm đầu mối kết nối, kênh thông tin liên lạc để phổ biến các chính sách pháp luật, hỗ trợ, giải đáp các thủ tục pháp lý đến với kiều bào, để họ an tâm quay về quê hương đầu tư, khởi nghiệp.

 Ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore (thứ 3, trái sang) cùng ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (thứ 2, trái sang) trao đổi với kiều bào, tháng 2-2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore (thứ 3, trái sang) cùng ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM (thứ 2, trái sang) trao đổi với kiều bào, tháng 2-2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cùng quan điểm, ông Danny Võ Thành Đăng, kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định giai đoạn hiện nay chính là ‘thời khắc vàng’ để kiều bào quay về quê hương cống hiến.

“Sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng chính sách ngày càng mở hơn, thoáng hơn đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với kiều bào. Đó là động lực để chúng tôi quay về đóng góp nhiều công sức và tiếp tục hiến kế, tham gia rộng, sâu trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam” - ông Danny đánh giá.

Ông Danny kỳ vọng Việt Nam sẽ xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng. Bởi theo ông, sự minh bạch là yếu tố tiên quyết để kiều bào trụ lại và bám rễ ở quê hương.

Ngoài ra, ông cũng gợi mở việc tạo điều kiện, cơ hội để kiều bào có thể đóng góp ý kiến đến những cấp cao hơn, chẳng hạn như Quốc hội.

 Kiều bào trải nghiệm tuyến metro 1, Bến Thành - Suối Tiên khi tham gia chương trình Xuân Quê hương 2024 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Kiều bào trải nghiệm tuyến metro 1, Bến Thành - Suối Tiên khi tham gia chương trình Xuân Quê hương 2024 tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Danny cũng bày tỏ sự phấn khởi khi thấy TP.HCM có cơ chế đặc thù riêng, có các chính sách ‘trải thảm đỏ’ để kiều bào quay về đầu tư, kinh doanh. "Tôi cho rằng khi kiều bào đã chọn quay trở về thì điều quan trọng hơn cả là ý kiến đóng góp của họ được ghi nhận, lắng nghe và thực hiện, triển khai" - ông Danny khẳng định.

Đồng bộ chính sách thu hút để kiều bào yên tâm đầu tư

Theo ông Lê Hồng Quân, kiều bào Angola, Phó Chủ tịch CLB Kết nối Doanh nhân Việt Nam - Quốc tế (VIENC), trong bối cảnh của một thời đại mới, các chính sách pháp luật cũng phải cập nhật nhanh và phù hợp với thực tế của cuộc sống. Đặc biệt, các chính sách từ Trung ương xuống địa phương cần được triển khai thống nhất, đồng bộ

 Ông Lê Hồng Quân, kiều bào Angola, Phó Chủ tịch CLB Kết nối Doanh nhân Việt Nam - Quốc tế (VIENC). Ảnh: NVCC

Ông Lê Hồng Quân, kiều bào Angola, Phó Chủ tịch CLB Kết nối Doanh nhân Việt Nam - Quốc tế (VIENC). Ảnh: NVCC

Ngoài ra, ông Quân cũng đề nghị các chính sách sẽ tiếp tục được cập nhật theo xu hướng mới, các ngành mới. “Đơn cử, ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là một ngành có nhiều cơ hội. Do vậy rất cần có thêm chính sách để tạo điều kiện cho kiều bào, doanh nghiệp mang những kiến thức này về hiến kế phát triển cho quê hương” - ông Quân nói thêm.

Ông Lê Hồng Quân cũng đánh giá các kênh thông tin như Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Ngoại vụ… hiện nay đã tạo thuận lợi bước đầu cho kiều bào khi quay về quê hương đầu tư, phát triển.

Tuy nhiên, đây chỉ là cánh cửa mở đầu tiên, thực tế những ngành nghề kinh doanh chuyên sâu thì cần sự hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn ở địa phương hoặc sở chuyên trách.

 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (thứ 3, trái sang) gặp gỡ kiều bào tại chương trình Xuân Quê hương năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng (thứ 3, trái sang) gặp gỡ kiều bào tại chương trình Xuân Quê hương năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

"Tôi cho rằng cần có bước liên thông giữa các đơn vị này để hỗ trợ kiều bào đầu tư, đem các nguồn vốn, tri thức, mối quan hệ… về cống hiến cho đất nước” - ông Quân nói.

Kiều bào Lê Hồng Quân cũng kiến nghị Việt Nam đầu tư mạnh mẽ việc truyền thông, quảng bá văn hóa đến nước bạn nhằm giúp đưa sản phẩm Việt ra các thị trường nước ngoài. Đồng thời, mở rộng các vị trí tham tán thương mại của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp địa bàn đang hoạt động ở nước bạn.

Kiều bào trẻ góp sức xây dựng đất nước hùng cường

PGS.TS Trần Lê Hưng, kiều bào Pháp, Đại học Gustave Eiffel, cho rằng ba yếu tố then chốt để xây dựng một cộng đồng người Việt ở nước ngoài vững mạnh, đoàn kết, gắn bó với quê hương là “đại đoàn kết dân tộc, công tác hội đoàn và thanh niên”.

“Trong công cuộc kiến thiết, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng thanh niên luôn là lực lượng đi đầu. Đây là cũng là lực lượng chiếm đa số trong hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài” - ông Hưng nhìn nhận.

 PGS.TS Trần Lê Hưng cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, tháng 8-2024. Ảnh: NVCC

PGS.TS Trần Lê Hưng cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4, tháng 8-2024. Ảnh: NVCC

Để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên, trí thức trẻ, các cơ quan trong và ngoài nước cần phối hợp, tổ chức chặt chẽ và duy trì các mô hình, sân chơi, diễn đàn kết nối giao lưu trí thức thường niên. Chẳng hạn như tổ chức hội nghị, tọa đàm khoa học để trí thức, kiều bào trẻ cùng bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đưa ra giải pháp đối với từng nhóm vấn đề quan trọng của đất nước…

“Chúng ta cũng cần có giải pháp tăng cường kết nối, giao lưu thế hệ trẻ trong và ngoài nước qua nhiều hình thức khác nhau. Bởi thế hệ trẻ kiều bào là nhịp cầu nối quan trọng hỗ trợ tăng cường giao lưu Việt Nam và bạn bè quốc tế” - ông Hưng nói.

 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan gặp gỡ kiều bào nhỏ tuổi nhất tham dự chương trình Xuân Quê hương năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan gặp gỡ kiều bào nhỏ tuổi nhất tham dự chương trình Xuân Quê hương năm 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngoài ra, theo ông Hưng, cần tuyên truyền để mỗi thanh niên, kiều bào trẻ hiểu bản thân họ sẽ là một đại sứ quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế khắp năm châu… Việc làm này không chỉ giúp văn hóa người Việt được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn mang hình ảnh đẹp của người Việt Nam ra khắp năm châu.

Tôi hy vọng rằng những công tác đặc biệt hướng tới thế hệ thanh niên và kiều bào trẻ sẽ góp phần xây dựng Tổ quốc ta ngày càng hùng cường, đất nước ta ngày càng giàu mạnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, dân tộc ta ngày càng vẻ vang, tự hào sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới...

Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về nước đạt khoảng 230 tỉ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2023, người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỉ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Ngoài ra, kiều bào còn rất nhiều đóng góp về chất xám, trí tuệ không thể cân đong đo đếm.

******

Việt Nam mở rộng vòng tay đón nhận những đóng góp của kiều bào

Phát biểu gặp mặt đoàn kiều bào tiêu biểu chiều 23-8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời.

Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón nhận những đóng góp quý báu của bà con, từ đó xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh của mọi dòng máu Việt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, những người có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với công nghệ hiện đại, tri thức tiến bộ, tiếp tục đem trí tuệ, kinh nghiệm, tri thức của mình để hiến kế xây dựng, phát triển quê hương đất nước.

Ông mong bà con không chỉ về nước đầu tư mà còn phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối mang hàng hóa, thương hiệu Việt ra khắp thế giới; quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta với bạn bè quốc tế.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-dang-trong-thoi-khac-vang-don-kieu-bao-quay-ve-que-huong-cong-hien-post807749.html