Việt Nam đánh giá cao những diễn biến tích cực ở Nam Sudan
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 16/9 đã họp trực tuyến về tình hình Nam Sudan và hoạt động của Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại nước này (UNMISS).
Tham dự và báo cáo tại phiên họp có ông Mark Lowock, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo; ông David Shearer, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm người đứng đầu UNMISS và bà Nyachukuoth Rambang Tai, đại diện Tổ chức Phái đoàn Hỗ trợ châu Phi (AMA). Tại đây, Việt Nam đánh giá cao những diễn biến tích cực ở Nam Sudan thời gian qua.
Theo các báo cáo viên, tình hình tại Nam Sudan tiếp tục có một số tiến triển tích cực trong những tháng gần đây, đặc biệt là việc Chính phủ chuyển tiếp đã cơ bản vận hành được sau khi các vị trí Bộ trưởng và Thống đốc bang được bổ nhiệm và thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên liên quan tiếp tục được tuân thủ. Tuy nhiên, tình hình bạo lực giữa các cộng đồng đang tiếp tục gia tăng làm cho hơn 600 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất nhà cửa trong 3 tháng qua.
Đại dịch COVID-19, lũ lụt, nạn châu chấu và nạn đói tiếp tục tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, nhân đạo ở Nam Sudan và cản trở tiến trình chuyển tiếp. Ông Shearer nhấn mạnh các nỗ lực của UNMISS về bảo vệ thường dân trong bối cảnh COVID-19; đồng thời cho biết Phái bộ đã và đang rút dần lực lượng tại một số trại bảo vệ thường dân trong bối cảnh tình hình an ninh đã được cải thiện so với giai đoạn trước đây.
Các nước thành viên HĐBA ghi nhận một số diễn biến tích cực thời gian qua ở Nam Sudan và kêu gọi tiếp tục nỗ lực để sớm thực hiện được các điều khoản còn lại trong Thỏa thuận Hòa bình năm 2018, đặc biệt là việc thành lập lực lượng an ninh quốc gia thống nhất và Nghị viện chuyển tiếp; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các thách thức về kinh tế và nhân đạo; tái khẳng định sự ủng hộ đối với UNMISS, các tổ chức khu vực như Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) và Liên minh châu Phi (AU) trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Nam Sudan. Một số nước cho rằng cần tăng cường năng lực của các cơ quan an ninh của Nam Sudan và tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và UNMISS trong bối cảnh UNMISS rút dần lực lượng tại các trại bảo vệ thường dân.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, đánh giá cao các diễn biến tích cực ở Nam Sudan kể từ khi chính phủ chuyển tiếp được thành lập cũng như vai trò trung gian hòa giải của chính phủ Nam Sudan trong tiến trình hòa bình ở nước láng giềng Sudan; nhấn mạnh những nỗ lực của chính phủ là rất đáng khích lệ trong bối cảnh Nam Sudan đang chịu nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tình trạng lũ lụt và thiếu lượng thực; ghi nhận việc thỏa thuận ngừng bắn cơ bản được tuân thủ và kêu gọi chính phủ tiến hành các biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp và thực thi đầy đủ Thỏa thuận Hòa bình để hướng tới việc rà soát lại cơ chế trừng phạt của HĐBA vào tháng 12 tới; đánh giá cao vai trò của LHQ, UNMISS, AU, IGAD trong thúc đẩy tiến trình hòa bình và phát triển ở Nam Sudan và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào hoạt động của UNMISS.
UNMISS là Phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ được thành lập theo Nghị quyết 1996 ngày 8/7/2011 của HĐBA và được gia hạn hàng năm với 4 nhiệm vụ chính: Bảo vệ thường dân, hỗ trợ tiến trình hồi hương của người tị nạn và người mất nơi cư trú ở Nam Sudan; Tạo môi trường thuận lợi cho việc hỗ trợ nhân đạo; Giám sát và điều tra các hành vi vi phạm nhân quyền; và Hỗ trợ việc triển khai tiến trình hòa bình tại Nam Sudan.
Hiện Việt Nam đóng góp 68 quân nhân cho Phái bộ UNMISS, trong đó có 11 người là nữ. Việt Nam đã triển khai Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 tại Bentiu, Nam Sudan kể từ năm 2018 đến nay (BVDC cấp 2 số 1 từ tháng 10/2018 đến 11/2019; BVDC cấp số 2 từ tháng 11/2019 đến tháng 11/2020).
Trong 6 tháng đầu năm 2020, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân và tham gia tích cực các hoạt động tập huấn nâng cao nhận thức phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ, nhân viên LHQ tại địa bàn đóng quân và người dân.