'Việt Nam đạt được tiến bộ ấn tượng trong nhiều mục tiêu'
'Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là trong một khoảng thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó'.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn của VOV về mối quan hệ hợp tác Việt Nam – UNDP trong 45 năm qua và những triển vọng trong thời gian tới.
Trong dòng chảy hội nhập quốc tế, từ năm 1978 đến nay, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và nhân dân Việt Nam hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia về thịnh vượng và phát triển bền vững. Mối quan hệ đối tác này đã đem lại nhiều thành tựu phát triển. Năm 2023 là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 45 năm hợp tác chặt chẽ giữa UNDP và Việt Nam.
PV: Trên nền tảng của mối quan hệ hợp tác có bề dày gần nửa thế kỷ, trong những năm qua, Việt Nam - UNDP đang trở thành đối tác của nhau, cùng nỗ lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nếu để chỉ ra ba thành tựu lớn nhất trong 45 năm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và UNDP, theo bà đó là những thành tựu nào?
Bà Ramla Khalidi: Rất vinh dự khi được ở đây để nói về UNDP và hành trình của chúng tôi trong 45 năm qua. Chúng tôi mở văn phòng tại Việt Nam vào năm 1978, đó là thời điểm đất nước Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh gian khổ, khó khăn về kinh tế và bị cô lập về ngoại giao.
UNDP vào thời điểm đó là một trong số ít các tổ chức quốc tế cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực cho Chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một trong những điều mà chúng tôi tại UNDP rất tự hào.
Trong thời kỳ đổi mới, UNDP đã đứng về phía Việt Nam trong việc cung cấp các loại bài học hỗ trợ kỹ thuật từ các quốc gia tương tự khác. Chúng tôi đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam thiết lập quan hệ với các đối tác, dẫn đến Hội nghị các nhà tài trợ đầu tiên của Việt Nam tại Paris năm 1993, hỗ trợ đàm phán thương mại và hỗ trợ về luật doanh nghiệp. Đây là những thứ rất quan trọng trong quá trình mở cửa và phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam.
Một điều nữa mà tôi nghĩ rằng tôi muốn chỉ ra là sự hỗ trợ mà UNDP dành cho Việt Nam trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là phương pháp đo lường nghèo đói. Phương pháp này đã hỗ trợ cơ quan thống kê điều tra hộ gia đình để biết mức độ cũng như chỉ số nghèo đa chiều của Việt Nam, áp dụng làm tiêu chuẩn quốc gia để đo lường nghèo đói.
Chúng tôi cũng đã làm việc tích cực với Quốc hội với Bộ Tư pháp về một số cải cách pháp luật trong việc xây dựng năng lực cán bộ công chức, công chức của các đại biểu Quốc hội. Một trong những dự án hàng đầu đã diễn ra trong hơn một thập kỷ qua là PAPI, dự án cấp tỉnh đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công.
Chúng tôi đã thực hiện PAPI được 14 năm, hiện đã có thể khảo sát hơn 180.000 người trên tất cả 63 tỉnh thành và biết được đâu là những ưu tiên của họ, họ nghĩ gì về các dịch vụ xã hội dịch vụ công của chính phủ và họ thấy cơ hội ở đâu. Tôi nghĩ rằng đây là một công cụ rất tốt cho cả chính phủ và chính quyền địa phương trong việc hoạt động hiệu quả hơn
Lĩnh vực hỗ trợ cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh là về môi trường, biến đổi khí hậu, ô nhiễm đa dạng sinh học - đây cũng là những lĩnh vực then chốt mà UNDP tập trong trong vài thập kỷ qua. Chúng tôi đã có sự hỗ trợ Việt Nam ở tầm chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và phục hồi xanh cũng như xem xét giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tất nhiên, cũng phải thừa nhận rằng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và tác động của biến đổi khí hậu, do đó, UNDP hỗ trợ một số dự án thích ứng thông qua xây dựng nhà ở có khả năng chống chịu, về khôi phục rừng ngập mặn và một số hoạt động xây dựng khả năng phục hồi khác. Chúng tôi rất tự hào về mối quan hệ hợp tác của chúng ta.
PV: Bà đánh giá như thế nào về những bài học kinh nghiệm có thể rút ra cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNDP?
Bà Ramla Khalidi: Tôi nghĩ, giống như với bất kỳ mối quan hệ đối tác nào, có rất nhiều bài học trong quá trình hợp tác. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh một số vấn đề ở cấp độ chiến lược hơn.
Đầu tiên là tầm quan trọng của tính chủ động quốc gia. Trong bất kỳ quá trình nào, điều cực kỳ quan trọng là chúng tôi phải biết về tính chủ động, định hướng chiến lược quốc gia, các ưu tiên do kế hoạch quốc gia đặt ra và quá trình đó được thúc đẩy bởi chính phủ và người dân Việt Nam.
Thứ hai là đặt con người vào trung tâm trong tất cả chính sách về phát triển. Bởi con người là mục tiêu cuối cùng của mọi chính sách vì thế cần tập trung cho việc nâng cao năng lực và khả năng của họ để họ có một cuộc sống đầy đủ hơn.
Thứ ba, tôi muốn nói đến là tính bền vững. Trong thời đại ngày nay chúng ta không chỉ nghĩ đến phát triển ở góc độ tăng trưởng cho hôm nay mà còn phải nhìn đến yếu tố bền vững và những gì để lại cho các thế hệ tương lai. Cần phải thực sự suy nghĩ về những lựa chọn của chúng ta ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau như thế nào.
Bài học cuối cùng tôi nghĩ đó là yếu tố “toàn xã hội”. Sự liên kết, gắn gó giữa chính phủ và xã hội dân sự, khu vực tư nhân và giới truyền thông có tầm quan trọng trong việc thực hiện các lĩnh vực ưu tiên của đất nước.
UNDP tại Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy. Các vấn đề về lòng tin, các giá trị chung cũng như sự cởi mở và trao đổi là điểm nhấn trong mối quan hệ đối tác của chúng ta.
PV: Bà có thể cho biết về những chính sách ưu tiên trong định hướng hợp tác giữa UNDP với Việt Nam trong thời gian tới?
Bà Ramla Khalidi: Như tôi đã nói, tính chủ động quốc gia được xem là chìa khóa. Vì vậy, cách mà UNDP xác định các ưu tiên của mình đều dựa trên các ưu tiên trong chiến lược quốc gia của Việt Nam, trong đó bao gồm mục tiêu của Việt Nam trở thành một quốc gia có thu nhập cao và trở thành một quốc gia không phát thải các-bon vào năm 2050.
UNDP làm việc dựa trên tài liệu chương trình quốc gia, về cơ bản đó là chiến lược và những ưu tiên chính của chúng tôi trong một giao đoạn. Đối với chiến lược hiện tại, chúng tôi tập trung vào ba ưu tiên:
Thứ nhất là sự thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế bền vững, tập trung vào sinh kế, bình đẳng, công bằng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thứ hai là biến đổi khí hậu và tính bền vững của môi trường cũng như xem xét các vấn đề về hành động khí hậu, đa dạng sinh học và các vấn đề ô nhiễm môi trường.
Thứ ba là quản trị và tiếp cận công lý. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, chúng ta cũng có thể thấy UNDP hỗ trợ Việt Nam các ưu tiên chuyển đổi năng lượng cũng như chương trình nghị sự về kinh tế tuần hoàn… Thực tế có nhiều lĩnh vực khác nhau trong mục tiêu nhưng trọng tâm sẽ là ba lĩnh vực được xác định trong tài liệu chương trình quốc gia của chúng tôi.
PV: Nhân dịp 45 năm hợp tác Việt Nam - UNDP, bà muốn chia sẻ thông điệp gì với Việt Nam trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững?
Bà Ramla Khalidi: Tôi cho rằng Việt Nam đã có những cam kết để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó rất đáng hoan nghênh. Tất cả các nước trên thế giới đều đang đấu tranh để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các yếu tố như đại dịch COVID, chiến sự ở Ukraine và một số cuộc khủng hoảng khác đều gia tăng thách thức trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng trong nhiều mục tiêu. Việt Nam đứng thứ 51 trên 165 quốc gia đạt chỉ số về Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Các bạn cũng đã đạt được tiến bộ đáng kể ở 5 trong số 17 mục tiêu trong đó có giáo dục và giảm nghèo, nước sạch... Nhưng vẫn còn một số mục tiêu nữa vẫn bị chậm trễ cần được bổ sung nguồn lực và tập trung hơn nữa trong những năm tới. Ví dụ, khi nói đến tỷ lệ nghèo, mặc dù Việt Nam đang làm rất tốt vấn đề giảm nghèo, nhưng vẫn có những nhóm nghèo, đặc biệt là trong các nhóm dân tộc thiểu số cao hơn nhiều so với dân số nói chung. Vì vậy, những nhóm dễ bị tổn thương như những người khuyết tật, nhóm dân tộc thiểu số cần được tập trung hơn.
Về mặt thông điệp, tôi muốn nói lại một lần nữa, yếu tố đầu tiên phải lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Phương châm của các mục tiêu phát triển bền vững là không để ai bị bỏ lại phía sau và điều đó có nghĩa là chúng ta thực sự cần nghĩ đến nhu cầu của những người dễ bị tổn thương. Đó có thể là những đứa trẻ phải nghỉ học trong thời gian COVID, những hộ gia đình có chủ hộ là phụ nữ độc thân, những người khuyết tật,… Cần phải đảm bảo rằng mọi người đều có quyền tiếp cận những nhu cầu cơ bản nhất.
Thứ hai là tập trung vào nền kinh tế xanh và tuần hoàn. Để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần phải tăng cường vào việc thúc đẩy nền kinh tế xanh và tuần hoàn.
Điều thứ ba tôi muốn nói là đảm bảo rằng các nguồn tài chính được phân bổ đầy đủ và ngân sách được sử dụng hiệu quả và có các hệ thống giám sát và đánh giá kết quả. Đó là ba thông điệp tôi muốn nhấn mạnh.
Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là trong một khoảng thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó.
Xin chúc mừng các bạn và thực sự mong muốn UNDP tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức còn lại của mục tiêu phát triển bền vững và những thách thức mới trong thế kỷ 21 này.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!