Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 25 tỉ USD sản phẩm lâm nghiệp vào năm 2030
Ngày 28/12, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tổ chức hội thảo 'Chứng chỉ rừng bền vững và FLEGT tại Việt Nam: Từ chính sách đến thực tiễn'.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong lĩnh vực cũng như các trường có đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp.
Hội thảo nhằm mục tiêu tìm ra các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn trong việc cấp Chứng chỉ rừng (quản lý rừng bền vững) nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng rừng trồng, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Nâng cao hiệu quả kinh tế trong kinh doanh rừng, cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp trong ngành gỗ…
Tại hội thảo, TS Phạm Thu Thủy - Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (cifor) cho biết: Xu hướng của thế giới sẽ có sự dịch chuyển với thị trường truyền thống. Trong đó, giai đoạn 2020-2025 nhu cầu sản lượng gỗ cho ngành công nghiệp tăng trung bình 2,2%/năm.
Đến năm 2055 dân số toàn cầu sẽ tăng 36% trong khi diện tích rừng trồng hiện nay không thể đáp ứng. Vì vậy, xu thế chung của toàn cầu là làm thế nào để tăng hiệu quả đầu tư và lợi nhuận từ diện tích, sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng hiện có hơn là tìm kiếm nguồn tài nguyên mới.
“Từ những thách thức trên, dự báo trong tương lai thị trường năng lượng tái tạo toàn cầu được tạo ra từ gỗ ra tăng trưởng mạnh. Đặc biệt là với thị trường EU do cam kết giảm phát thải (mục tiêu giảm 40% phát thải vào năm 2030 và giảm 80% phát thải váo năm 2050, đạt tối thiểu 20% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo). Do đó, ngành gỗ Châu Âu trong tương lai sẽ chứng kiến sự phát triển của việc chuyển đổi hợp chất hóa học sinh thái và sản xuất cellulosic athnal từ sợi gỗ sẽ chiếm tới 80% thành phần dung dịch của xăng sinh học. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho ngành gỗ của Việt Nam”- TS Thủy chia sẻ.
Sinh viên ngành Công nghệ chế biến lâm sản Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM trong giờ thực hành
Theo TS Lê Văn Bình- Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Mục tiêu chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã định hướng những mục tiêu gần như tương đồng với sự dịch chuyển của xu hướng ngành gỗ thế giới. Theo đó, giai đoạn tới mục tiêu đạt ra là tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất Lâm nghiệp nước ta đạt từ 5-5,5%/năm.
Trồng rừng sản xuất đạt khoảng 340.000ha/năm vào năm 2030. Khai thác rừng khoảng 45 triệu m3/năm vào năm 2025, trên 62 triệu m3/năm vào năm 2030. Đến năm 2025 giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Đặc biệt, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 có 0,5 triệu ha và năm 2030 có 1 triệu ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Xuất khẩu đạt 18-10 tỉ USD vào năm 2025 và đạt 23-25 tỉ USD vào năm 2030. Tăng 5% sau năm 2030, tăng tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu.
Tất nhiên, để đạt được các mục tiêu xuất khẩu lâm sản như trên, theo TS Bình chúng ta cần phải có 50-55 triệu m3/gổ nguyên liệu/năm. Trong đó, nguồn nguyên liệu trong nước khoảng 45 triệu m3/năm, nhập khẩu khoảng 8-10 triệu m3/năm. Công tác nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, kiểm soát sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp, thâm canh phát triển nguồn nguyên liệu gỗ lớn, diện tích quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.
Ngoài các chính sách trên, điều quan trọng là chúng ta cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, truy suất nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp cho sản xuất, chế biến. Đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến gỗ, gia tăng chính sách hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề mở các chuyên ngành đào tạo, đổi mới chương trình giảng dạy, để cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, lành nghề cho ngành gỗ”- TS Bình nói.