Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu công nghệ số cao hơn xuất khẩu nông sản

Thông tin trên được Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra ngày 15/1.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.

Chiến lược Make in Vietnam của Bộ Thông tin và Truyền thông phát động từ năm 2019 đã mang lại những kết quả nổi bật cho lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam. Trong 5 năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số tăng từ 20% lên 32%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.

Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2023. Tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 9,95%. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%. Toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 10,12% so với năm 2023.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ sáu thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ tám thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; đứng thứ bảy thế giới về gia công phần mềm.

Mục tiêu đến năm 2030, giá trị Việt Nam đạt trên 50%. Bộ trưởng Hùng cho rằng, đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát khỏi bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam được xem là “cái nôi” để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu. Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt 11,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng trên 30% mỗi năm.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà.

“Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây thực sự là mục tiêu rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam”. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Về phía doanh nghiệp, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel kiến nghị một số nội dung để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia:

Một là, ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.

Hai là, sớm triển khai quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng…

Ba là, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Vietnam. Cụ thể, Nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu tại Việt Nam. “Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ,” đại diện Viettel nói thêm.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ thông tin Hàn Quốc là ông Dohyun Kang chia sẻ kinh nghiệm của nước này trong phát triển ngành công nghiệp số. Hàn Quốc đã thực hiện chiến lược 3i gồm đầu tư, bơm vốn và đổi mới sáng tạo với việc tháo gỡ rào cản, thúc đẩy tự do hóa thị trường; nâng cao cạnh tranh công bằng, đầu tư sớm vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, mở rộng đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Thời gian qua, Hàn Quốc khuyến khích năng lực quốc gia để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI thông qua các nỗ lực ban hành liên tục các kế hoạch và chính sách. Cụ thể, hồi tháng 8/2022, đề ra kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực số, tháng 9/2022 công bố chiến lược số Hàn Quốc, tháng 9/2023 thông qua đạo luật Quyền số, triển khai kế hoạch đưa AI vào đời sống hàng ngày…Nhờ đó, quốc gia này đã vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là sự kiện thường niên của ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển công nghệ số, tinh thần Make in Vietnam.

Năm nay, diễn đàn được tổ chức lần thứ VI với chủ đề " Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-dat-muc-tieu-xuat-khau-cong-nghe-so-cao-hon-xuat-khau-nong-san-37543.html