Việt Nam đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn

Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các 'ông lớn' ngành công nghiệp bán dẫn, khi có thêm nhiều Tập đoàn lớn tham gia hỗ trợ đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch cho các giảng viên, sinh viên xuất sắc.

Đơn cử như mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tập đoàn Qorvo, Hoa Kỳ tổ chức lễ khai giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch.

2024 là năm đầu tiên, trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Là một trong những giảng viên chính sẽ tham gia giảng dạy chuyên ngành kỹ thuật máy tính tại trường, chị Thanh Huyền chọn tham gia vào khóa học Thiết kế vi mạch là cách để tự trang bị thêm kiến thức cho mình.

Chị Thanh Huyền, giảng viên Đại học Giao thông vận tải, chọn tham gia vào khóa học Thiết kế vi mạch.

Chị Thanh Huyền, giảng viên Đại học Giao thông vận tải, chọn tham gia vào khóa học Thiết kế vi mạch.

Chị Huyền chia sẻ: "Khi bắt đầu có đề án của Chính phủ cũng như sự quan tâm của xã hội, trường Đại học Giao thông vận tải thành lập ban chỉ đạo phát triển công nghệ bán dẫn. Khi một ngành mới, có sinh viên như thế, chúng tôi muốn đào tạo ra những sinh viên vừa lý thuyết tốt, thực hành tốt. Hơn nữa những phần mềm sinh viên sử dụng chính là phần mềm của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ không phải đào tạo lại. Đó là lí do vì sao tôi có mặt trong khóa học này."

Qorvo là nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu trên thế giới cho các giải pháp về nguồn và kết nối, hiện có hơn 8.500 nhân sự trên toàn cầu. Chương trình đào tạo chuyên sâu lần này sẽ do Tập đoàn Qorvo cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của tập đoàn, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.

Qorvo là nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu trên thế giới

Qorvo là nhà cung cấp chip bán dẫn hàng đầu trên thế giới

Ông Trịnh Khắc Huề - Tổng Giám đốc Qorvo Việt Nam cho biết: "Các học viên sau khi hoàn thành khóa học sẽ rất thành thạo với kỹ năng phân tích và tổng hợp thiết kế, sau đó thì có khả năng trình bày thiết kế, thông qua khóa đào tạo học viên sẽ có thể tham gia ngay vào thực tế mà không cần tham gia sâu vào đào tạo chuyên sâu tại doanh nghiệp."

Trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, như vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đặc biệt là cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, môi trường đầu tư thuận lợi.

Chính vì vậy, việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng sẽ tạo ra động lực to lớn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/viet-nam-day-manh-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-ban-dan-252540.htm