Việt Nam đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982
Tại lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên UNCLOS, vừa được Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định: Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi công ước trên biển Đông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã khẳng định vai trò của UNCLOS trong việc duy trì trật tự trên biển, khai thác, sử dụng và bảo tồn biển, đại dương suốt 25 năm qua. Với 320 điều và 9 phụ lục điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, UNCLOS được coi là “Hiến pháp về biển và đại dương”, là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng và hợp tác về biển ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới. UNCLOS có 168 quốc gia thành viên và hầu hết các quy định của UNCLOS đã trở thành tập quán quốc tế. Vì vậy, UNCLOS được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế toàn cầu quan trọng thứ 2 sau Hiến chương Liên hợp quốc trong giai đoạn sau năm 1945. UNCLOS đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý quốc tế vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia ven biển, đồng thời cũng là cơ sở để xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
Lực lượng hải quân bảo vệ quần đảo Trường Sa được trang bị phương tiện tuần tra hiện đại, luôn đề cao cảnh giác, tuần tra theo dõi, nắm chắc tình hình trên biển, chủ động ứng phó với mọi diễn biến - Ảnh TTXVN
Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của UNCLOS, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi công ước trên biển Đông. Trước hết, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Biển Việt Nam năm 2012 - cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo. Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã đàm phán và ký các điều ước quốc tế về phân định biển với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và phân định biển với các quốc gia láng giềng khác.
Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển với hình thức hợp tác đa dạng và nội dung ngày càng đi vào chiều sâu nhằm khai thác tối đa các tiềm năng của biển cũng như giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra, nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trên biển Đông. Trong lĩnh vực hợp tác cùng phát triển, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi với các quốc gia trên cơ sở quy định của UNCLOS và các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển thuộc Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc. Với chủ trương này, Việt Nam đang duy trì các cơ chế về hợp tác cùng phát triển với các nước ven biển Đông như hợp tác tài nguyên khoáng sản khu vực thềm lục địa chồng lấn với Malaysia, hợp tác nghề cá và dầu khí tại vịnh Bắc bộ với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... cũng đã chia sẻ nỗ lực của Việt Nam như bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quản lý tài nguyên và nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường biển... Nỗ lực của các bộ, các cấp, ngành không chỉ phản ánh qua chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mà còn qua các hành động cụ thể. Điều này cho thấy, việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ UNCLOS là ý chí và hành động chung của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp của Việt Nam.
Thanh Trà (tổng hợp)