Việt Nam đề xuất chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình
Tại Hội thảo 'Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa: Kết quả đàm phán phiên thứ 2 và định hướng của Việt Nam cho các phiên tiếp theo', Việt Nam đề xuất giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia.
Nỗ lực tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa
Ngày 11/8, tại Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo “Thỏa thuận Toàn cầu về Ô nhiễm Nhựa: Kết quả đàm phán phiên thứ 2 và định hướng của Việt Nam cho các Phiên tiếp theo”.
Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lê Ngọc Tuấn cho biết, ô nhiễm nhựa đã trở thành một trong những vấn đề môi trường rất nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy cho nhân loại trong tương lai.
Trước yêu cầu cấp bách đó, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đề xuất các nước tiến hành đàm phán xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu hướng đến chấm dứt ô nhiễm nhựa, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường khỏi những tác động bất lợi trong suốt vòng đời của nhựa; giảm sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.
Sau hai phiên đàm phán tại Uruguay năm 2022 và Pháp năm 2023, quá trình đàm phán kỹ thuật xây dựng Thỏa thuận hiện đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quan trọng, xây dựng lời văn cho Thỏa thuận để tiến hành đàm phán tại Phiên thứ ba sẽ diễn ra trong tháng 11/2023 tại Nairobi (Kenya) và các phiên tiếp theo trước khi thông qua vào cuối năm 2024.
Diễn biến và kết quả đàm phán phiên thứ hai cho thấy, tiến trình đàm phán tiếp theo sẽ có nhiều khó khăn và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng và tác động đến kinh tế - xã hội và môi trường ở các mức độ khác nhau.
Tại phiên đàm phán thứ hai này, Việt Nam cũng đề xuất việc giảm thiểu tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa theo lộ trình; phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của quốc gia. Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng các nghĩa vụ bắt buộc, tránh tạo ra gánh nặng và nghĩa vụ quá cao cho các nước đang phát triển. Việt Nam đề xuất hiện chưa đặt ra mốc thời gian 2040 để chấm dứt ô nhiễm nhựa tại phát biểu chung của nhóm các nước châu Á Thái Bình Dương (APG) và cần xây dựng báo cáo hiện trạng cơ sở và đề xuất lộ trình tiến tới chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa trên cơ sở hợp tác và chia sẻ lợi ích cũng như nghĩa vụ giữa các quốc gia thành viên; đề nghị hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và công nghệ, tăng cường xây dựng năng lực song song với tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Bên cạnh đó, xây dựng phương án đàm phán tổng thể trên cơ sở tham vấn các bên liên quan, đặc biệt tham vấn và đồng hành của khối tư nhân ngay từ giai đoạn đầu tiên, khi Bản thảo đầu tiên của văn kiện sắp được ban hành.
Nhiều vấn đề cấp bách cần được xử lý
Theo ông Hoàng Thành Vĩnh – đại diện UNDP cho rằng, để hướng tới Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách mà các quốc gia thành viên ASEAN cần xem xét: Thứ nhất là lượng phát sinh chất thải nhựa cao; thứ hai cơ sở hạ tầng quản lý chất thải không phù hợp; thứ ba thiếu nhận thức và thiếu các chương trình giáo dục; thứ tư tồn tại khu vực phi chính thức trong quản lý chất thải nhựa và bản chất xuyên biên giới của ô nhiễm nhựa.
Qua đây đại diện UNDP đề xuất 2 vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm khi tham gia đàm phán, đó là cần công nhận và hỗ trợ khu vực phi chính thức và cần kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển.
Ông Vĩnh cũng nhận định, trong bối cảnh khi tham gia Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ có tác động đến Việt Nam như khung chính sách về môi trường, quản lý chất thải đã toàn diện nhưng có thể cần hoàn thiện hơn nữa ở cấp độ kỹ thuật với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về nhựa. Nền kinh tế tuần hoàn hiện đang đạt được thúc đẩy mạnh mẽ, song cần có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể hơn. Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững.
730.000 tấn nhựa bị thải ra biển mỗi năm
Theo số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thải ra biển. Bình quân hàng tháng mỗi hộ gia đình dùng và thải ra 1kg túi nilon.
Thực tế, chất thải nhựa có nguồn gốc chủ yếu từ các hoạt động sinh hoạt, tiêu dùng của người dân. 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và thải bỏ. Chỉ một phần được thu hồi – tái chế, một phần được được xử lý bằng biện pháp thiêu đốt hoặc chôn lấp.