Việt Nam đề xuất định lượng tổng thể về tài chính khí hậu tới năm 2035
Việt Nam đề xuất định lượng tổng thể về tài chính khí hậu cần ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD/năm cho tới năm 2035.
Tại Hội nghị Đối thoại cấp bộ trưởng lần thứ VI về tài chính khí hậu diễn ra ngày 14/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD chỉ ra, vào năm 2022, các nước phát triển cung cấp và huy động tổng cộng 115,9 tỷ USD tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển, lần đầu tiên vượt mục tiêu 100 tỷ USD hàng năm.
Cam kết tài chính 100 tỷ đô la mỗi năm cho ứng phó biến đổi khí hậu sẽ hết hạn trong năm 2024. Bởi vậy, Hội nghị lần thứ 29 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29) đang diễn ra tại Azerbaijan còn được biết tới là hội nghị về tài chính.
Nhiệm vụ chính của gần 200 quốc gia tại Hội nghị là đưa ra một thỏa thuận đảm bảo tài trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới trong tương lai.
Trong khi đó, các nước đang phát triển tiếp tục đề nghị nâng cao mức hỗ trợ trong thời gian tới. Quan điểm của Việt Nam là kêu gọi thiết lập một định nghĩa rõ ràng, toàn diện về tài chính khí hậu. Nếu không thì khó có thể đánh giá và xem xét rằng liệu mục tiêu 100 tỷ USD đã đạt được hay chưa.
Tại Hội nghị, Việt Nam đề xuất: Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG) cần đủ để đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển, ít nhất là 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2035. NCQG cần phải nhắc lại sự cần thiết của các nguồn lực công cho thực hiện các Kế hoạch Thích ứng quốc gia và hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu trong NDC của các nước đang phát triển.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, tài chính khí hậu sẽ không bao gồm các khoản vay không ưu đãi, các khoản vay theo lãi suất thị trường với các điều khoản ưu đãi khác như thời gian hoàn vốn và ân hạn, tín dụng xuất khẩu và đầu tư.
Các quốc gia đang đàm phán một mục tiêu cao hơn bắt đầu từ năm 2025. Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu (NCQG) là một trong những trọng tâm của Hội nghị, trên cơ sở nhu cầu và ưu tiên của các nước đang phát triển.
Tại phiên khai mạc COP29, Thư ký điều hành UNFCCC Simon Stiell thúc giục các quốc gia thiết lập một mục tiêu tài chính khí hậu mới mạnh mẽ hơn. Nhấn mạnh rằng tài chính khí hậu là vấn đề an ninh toàn cầu, ông cũng bác bỏ tất cả quan điểm coi khoản tài chính này là khoản từ thiện.
Ngay sau khi chương trình nghị sự COP29 được thông qua, hàng loạt các phiên họp về tài chính đã diễn ra. Các nước đang phát triển do G77 và Trung Quốc dẫn đầu kêu gọi các nước phát triển cần cung cấp ít nhất 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm. Khoản tiền này dùng để triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bù đắp tổn thất và thiệt hại tại các nước đang phát triển.