Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU
Từ ngày 2 tới ngày 8-4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và phu nhân dự Đại hội đồng IPU lần thứ 150 (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Uzbekistan theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson, Tổng thư ký IPU Martin Chungong và Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.
Nhân dịp này, đồng chí Đôn Tuấn Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội.
Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ về hành trình gia nhập, tham gia và những đóng góp nổi bật của Việt Nam tại IPU thời gian qua?
Đồng chí Đôn Tuấn Phong: Kể từ khi được thành lập vào năm 1889 cho đến nay, IPU ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình. Đại hội đồng IPU vì thế là trung tâm hoạt động ngoại giao nghị viện toàn thế giới vì hòa bình, hợp tác, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các cơ chế hợp tác liên nghị viện, đồng hành cùng Liên hợp quốc thảo luận các giải pháp nhằm đổi mới tổ chức, củng cố đoàn kết, xây dựng chương trình nghị sự đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (nay là Chủ tịch Quốc hội) làm trưởng đoàn tham dự Lễ khai mạc Đại hội đồng IPU-146 tại Bahrain tháng 3-2023. Ảnh: https: daibieunhandan.vn
Nhận thức được tầm quan trọng đó, kể từ khi gia nhập IPU vào năm 1979, trong hơn 45 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện sự tham gia, đóng góp tích cực, có trách nhiệm, cùng nghị viện các nước chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, luật pháp, không chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, mà còn bảo đảm phát triển bền vững, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, luôn lấy người dân làm trung tâm của quá trình xây dựng chính sách.
Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ rõ hơn về những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong IPU?
Đồng chí Đôn Tuấn Phong: Sự tham gia, đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong IPU được đúc kết trong 3 dấu ấn nổi bật. Cụ thể, tại IPU, Quốc hội Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến và đóng góp thực chất vào hoạt động của IPU; sẵn sàng cùng với IPU và Nghị viện các nước thành viên thực hiện các nghị quyết, sáng kiến của IPU nhằm góp phần xây dựng hòa bình và phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân các nước trên thế giới.
Cùng với đó, trong quá trình tham gia IPU, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của IPU. Nổi bật nhất là việc đăng cai thành công Đại hội đồng IPU-132 năm 2015 tại Hà Nội với chủ đề “Các Mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động”, thu hút sự tham dự của hơn 160 đoàn nghị viện các nước. Tại Đại hội đồng này, Việt Nam cùng các nước đã thông qua Tuyên bố Hà Nội nhằm thúc đẩy hành động của nghị viện trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Đây là di sản lớn; thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam trong giải quyết các thách thức chung cùng cộng đồng quốc tế.
Tháng 9-2023, cũng tại Hà Nội, Việt Nam đã đăng cai Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, với sự tham dự của gần 700 đại biểu trong và ngoài nước. Sau 8 năm kể từ Tuyên bố Hà Nội, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn lịch sử với một bản tuyên bố đầu tiên được đưa ra tại một kỳ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.

Đồng chí Đôn Tuấn Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội.
Dấu ấn tiếp theo, Quốc hội Việt Nam cũng đã tham gia vào các cơ chế lãnh đạo, điều hành của IPU, như đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU vào các năm 2006, 2016; Chủ tịch Nhóm ASEAN+3 tháng 11-2021.
Đặc biệt, đại diện Quốc hội Việt Nam được Đại hội đồng IPU tín nhiệm hai lần bầu vào Ban Chấp hành IPU (các nhiệm kỳ 2007-2011 và 2015-2019), được bầu làm Phó chủ tịch IPU (các năm 2009 và 2019). Điều này thể hiện sự tin tưởng, tín nhiệm rất cao của các nghị viện quốc tế dành cho năng lực lãnh đạo, dẫn dắt của Quốc hội Việt Nam.
Dự kiến, trong khuôn khổ tham dự Đại hội đồng IPU-150 lần này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung về chủ đề “Hành động của Nghị viện vì sự phát triển và công bằng xã hội”, tiếp xúc song phương với Lãnh đạo Ban thư ký IPU, Lãnh đạo nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác với IPU, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước và các đối tác, qua đó tiếp tục tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong IPU cũng như tại các diễn đàn đa phương, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và các nguồn lực bên ngoài để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của đất nước.