Việt Nam đẹp nức lòng trong loạt phim 'bom tấn' quốc tế

Trước A Tourist's Guide to Love - dự án lấy bối cảnh chủ yếu tại nước ta vừa được hãng Netflix công bố đầu tháng 3, ít ai nghĩ rằng nhiều bộ phim đình đám của thế giới đã chọn Việt Nam là phim trường cho những thước phim hoành tráng, mãn nhãn người xem.

Hình ảnh trong phim là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của tác phẩm, đóng góp một phần quan trọng trong việc thể hiện bối cảnh và dụng ý nội dung. Đem đến cho hàng triệu khán giả từ khắp nơi trên thế giới biết đến các đặc điểm vùng miền và nền văn hóa đặc trưng khác nhau, bối cảnh góp phần tạo ra sự thích thú cho người xem, từ đó kích thích du lịch và các ngành dịch vụ phụ trợ.

Nhờ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng những bãi biển tuyệt đẹp trải dài đất nước, Việt Nam nhiều năm qua đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà làm phim quốc tế.

A Tourist’s Guide to Love

Mới được công bố và đang trong quá trình thực hiện, phim dự kiến sẽ là phim điện ảnh quốc tế đầu tiên quay ở Việt Nam kể từ khi Covid-19 bùng phát. "A Tourist’s Guide to Love" sẽ được phía Netflix ghi hình bắt đầu từ tháng 4, tại năm địa điểm gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hội An và Hà Giang.

Bộ phim được mong chờ có bối cảnh quay tại Việt Nam

Bộ phim được nhà biên kịch tài năng Eirene Donohue - người Mỹ gốc Việt - viết, lấy cảm hứng từ chính những chuyến du lịch của cô khi ngược dòng trở về khám phá cội nguồn. Dự án quy tụ nhiều ngôi sao như Rachael Leigh Cook, Scott Ly... Một số diễn viên Việt Nam như Nghệ sĩ Ưu tú Lê Thiện, Trúc Trần cũng góp mặt.

Kong: Skull Island (2017)

“Bom tấn” phòng vé này được sử dụng 70% bối cảnh Việt Nam và là bộ phim dùng nhiều bối cảnh tại Việt Nam nhất cho tới nay.

Ninh Bình hoang sơ đẹp nức lòng khán giả trong nước và quốc tế

Những thước phim hùng tráng tới mỹ lệ, bộ phim đem hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế với những khác biệt thực sự ấn tượng. Cảnh sắc của bạt ngàn dãy núi đá vôi gai góc, hoang sơ và hiểm trở phủ trọn sắc xanh của cây cỏ trong phim gây ấn tượng trong những trường đoạn khỉ Kong khổng lồ chiến đấu với quái vật.

Ngôi nhà của vua khỉ bằng những góc máy rộng bắt trọn khung cảnh, Tràng An nổi lên tuyệt đẹp giữa mạch phim đan xen nhiều tình tình tiết hấp dẫn đã thành công khi thể hiện sự khốc liệt và tầm cỡ trong trận chiến. Không chỉ vậy, những phân cảnh đầm lầy trong phim khiến người xem nhức nhối và đắm chìm vào mạch phim mang đặc trưng của một khu rừng nhiệt đới nóng ẩm rất riêng.

"Pan" (2015)

Là bộ phim điện ảnh xoay quanh quá khứ của cậu bé biết bay - Pan do đạo diễn Joe Wright thực hiện, phim có một số cảnh quay tại các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long và Tràng An (Ninh Bình).

Hang Én đẹp ‘nghẹt thở’ trong trailer bom tấn Pan

Bước vào "Pan", người xem như được đắm chìm vào câu chuyện của thế giới cổ tích nhiệm màu với khung cảnh của một thế giới thần tiên tráng lệ. Thời lượng lên hình của những địa danh này khá dài, rõ nét và đặc biệt gây chú ý chứ không mờ nhạt làm nền cho nhân vật. Thổi hồn vào trùng điệp dãy núi đá vôi thơ mộng, Vịnh Hạ Long cứ đẹp nguyên sơ đưa khán giả vào thế giới thần tiên kỳ ảo của vùng đất Neverland. Những ruộng lúa xanh biếc với dòng sông Chanh uốn lượn bên sườn núi tại Ninh Bình được lấy làm bối cảnh Đầm tiên cá cho phim.

Lối vào và bên trong Hang Én được sử dụng trong một phân cảnh khá dài và quan trọng của bộ phim. Để có hình ảnh chân thực và hấp dẫn nhất, các chuyên gia làm phim đã đến quay định dạng 3D, chụp ảnh và quay cấu trúc bên trong hang động và được sử dụng ở khâu hậu kỳ hoàn thiện tác phẩm.

"Les Filles du botaniste" ("Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc", 2006)

Được quay ở Việt Nam nhưng có nội dung về văn hóa Trung Quốc, bộ phim xoay quanh câu chuyện tình yêu đồng tính vượt qua khuôn mẫu của xã hội giữa con gái và con dâu của một ông chủ vườn thảo dược. Hai vai chính do Lý Tiểu Nhiễm và Mylene Jampanoi thể hiện.

Bộ phim Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc

Một Hà Nội, Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), Sapa xuất hiện trong từng thước phim mộng mơ, êm đềm đến kỳ lạ. Bối cảnh phô diễn nhiều hình ảnh nên thơ xuất sắc làm nền tô màu cho câu chuyện tình bi kịch của hai nhân vật chính.

"Người Mỹ trầm lặng" ("The Quiet American", 2002)

Bộ phim của đạo diễn Phillip Noyce được xây dựng dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene. Tác phẩm được lấy bối cảnh vào thời điểm giao thời, khi người Mỹ chuẩn bị thay thế người Pháp trong chiến tranh ở Việt Nam.

Sài Gòn hoa lệ trong từng cảnh quay của bộ phim

Đây là phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam sau năm 1975 từ khi đất nước giải phóng. Hơn một nửa bối cảnh trong phim được quay tại ở Việt Nam, bao gồm các cảnh ở Hội An, Ninh Bình, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Một Hà Nội, Hội An xưa cũ trong tiềm thức của nhiều người được phục dựng khôn khéo và tài tình, đem đến những thành phố cổ kính trang nghiêm đúng “chất” Việt Nam. Một Ninh Bình uy nghiêm giữa chiến trường tang thương khốc liệt khi Việt Minh chiếm được các cứ điểm quan trọng và buộc Pháp rút lui.

Và đây là phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam sau năm 1975 từ khi đất nước giải phóng

Có khoảng 150 người Việt Nam tham gia ê-kíp sản xuất. Ngoài Đỗ Hải Yến trong vai chính, phim còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ người Việt như Mai Hoa, Ngô Quang Hải, Hồng Nhung, Công Lý và Tiết Cương.

"Người Mỹ trầm lặng" được đánh giá cao với số điểm 87% trên chuyên trang Rotten Tomatoes. Ngoài ra, tài tử kỳ cựu Michael Caine cũng nhận một đề cử Oscar “Nam diễn viên chính xuất sắc”.

Phùng Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-dep-nuc-long-trong-loat-phim-bom-tan-quoc-te-post184969.html