Việt Nam đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á

Ngày 28/4/2021, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương đã tổ chức tổng kết dự án Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam (V-LEEP) do USAID tài trợ sau 5 năm thực hiện.

Thông qua dự án V-LEEP, Bộ Công Thương và USAID đã hợp tác nâng cao năng lực của Việt Nam trong xây dựng các chiến lược năng lượng dài hạn, huy động đầu tư tư nhân cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và cải thiện sự tuân thủ đối với các quy định về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp.

Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein phát biểu tại sự kiện

Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein phát biểu tại sự kiện

“Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ bền chặt giữa Bộ Công Thương Việt Nam và dự án V-LEEP của USAID trong 5 năm qua. Chúng tôi cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo và cam kết của Bộ Công Thương đối với lĩnh vực năng lượng sạch không chỉ thông qua lời nói mà bằng cả hành động thực tế”, Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Christopher Klein phát biểu tại sự kiện. Đại biện nhấn mạnh: “Sự tăng trưởng điện mặt trời tại Việt Nam trong 2 năm qua là rất khích lệ và Việt Nam hiện là quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á. Khu vực tư nhân đã thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng này trong lĩnh vực phát triển điện mặt trời, qua đó thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển do khu vực tư nhân dẫn dắt”.

Dự án năng lượng tái tạo được hỗ trợ bởi dự án V-LEEP

Dự án năng lượng tái tạo được hỗ trợ bởi dự án V-LEEP

Dự án V-LEEP đã góp phần huy động 311 triệu đô la để phát triển thành công 300 MW điện gió và điện mặt trời với 6 dự án do khu vực tư nhân đầu tư. Trong 3 năm qua, nhờ các dự án năng lượng tái tạo này cùng với năng lượng tiết kiệm được thông qua các giải pháp cải thiện hiệu quả năng lượng, dự án đã góp phần giảm phát thải khoảng 730.000 tấn khí nhà kính, tương đương 365.482.807 kg than.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phát biểu tại sự kiện

Dự án cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ kỹ thuật cho sự phát triển lưới điện tương lai của Việt Nam và xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII (gần đây bản dự thảo này đã được Bộ Công Thương công bố trên website để lấy ý kiến góp ý). Dự án cũng đã hỗ trợ việc xây dựng chương trình thí điểm Cơ chế Mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sau khi có phê duyệt cuối cùng, cơ chế này sẽ tạo thuận lợi cho các công ty tư nhân (như Nike, AB InBev, Adidas) hợp tác với Việt Nam để cấp vốn cho các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió mới, đồng thời gia tăng những đóng góp của Việt Nam trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Dự án cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng các Tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) nhằm giảm tiêu thụ điện trong sản xuất công nghiệp, tiếp tục góp phần thúc đẩy các mục tiêu hiệu quả năng lượng đầy tham vọng của Việt Nam.

USAID cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục phát huy thành công của dự án V-LEEP và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Bộ Công Thương thông qua dự án mới là V-LEEP II. Trong 5 năm tới, dự án V-LEEP II sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp tục chuyển đổi sang năng lượng sạch, đảm bảo và dựa vào thị trường thông qua tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến, cải thiện hiệu quả ngành năng lượng và tăng cường tính cạnh tranh trong lĩnh vực này.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-di-dau-ve-nang-luong-tai-tao-tai-dong-nam-a-609315.html