Việt Nam điểm báo: Việt Nam tạo điều kiện cho lĩnh vực công nghệ khởi nghiệp
Trang CNBC tuần này có bài viết thông tin, trong bối cảnh Việt Nam hy vọng trở thành nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030, các công ty khởi nghiệp công nghệ đang được hưởng lợi khi nhiều chính sách tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực này.
VIỆT NAM TẠO ĐIỀU KIỆN CHO LĨNH VỰC CÔNG NGHỆ KHỞI NGHIỆP
CNBC cho hay từ năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã công bố chiến lược quốc gia về chuyển đổi số nhằm mục đích tăng tỷ trọng của nền kinh tế số trong tổng sản phẩm quốc nội từ 14% hiện nay lên 20% vào năm 2025. Việt Nam hy vọng sẽ trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 bằng cách tập trung vào phát triển kinh tế số. Vì vậy, ngành công nghệ được ưu tiên trong lộ trình hướng đến mục tiêu này.
Năm 2021, Việt Nam thúc đẩy phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp mới tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Một năm sau đó, chính phủ công bố lộ trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khoa học, với cam kết dành 1% GDP cho nghiên cứu khoa học.
CNBC nhận định, những lĩnh vực có nhu cầu tài trợ cao nhất là công nghệ tài chính Fintech, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thanh toán. Tuy nhiên, dù dòng vốn đang đổ vào lĩnh vực công nghệ số nhưng các nhà đầu tư vẫn cảnh báo về một số trở ngại có thể hạn chế tăng trưởng trong tương lai, trong đó có khung pháp lý như thuế, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ dữ liệu cần thiết để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho công nghệ.
VIỆT NAM LÀ ĐỐI TÁC QUAN TRỌNG CỦA MỸ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam nhằm thảo luận về quan hệ kinh tế song phương và các vấn đề khu vực. Tờ Washington Post có bài viết dẫn lời bà Yellen khẳng định: “Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Washington Post đưa tin, đến Việt Nam sau các chuyến thăm Trung Quốc và Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen luôn khẳng định Mỹ coi việc xây dựng quan hệ kinh tế và an ninh mạnh mẽ với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu, trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Bài báo dẫn lời người đứng đầu nền tài chính Mỹ: “Việt Nam là một đối tác kinh tế thân thiết của Mỹ, với thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục năm 2022, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chính quyền Mỹ ưu tiên tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh với Việt Nam trong thời gian tới.”
VIỆT NAM GIẢM RỦI RO TỪ TÁC ĐỘNG CỦA NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN
Rủi ro do nợ từ lĩnh vực bất động sản đối với Việt Nam đã giảm. Đây là nhận định của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (Mỹ).
Bloomberg dẫn báo cáo của Fitch. Theo đó, chính phủ Việt Nam, thông qua các chính sách như siết chặt phát hành trái phiếu, đã chỉnh đốn hoạt động cấp vốn cho các công ty bất động sản trong năm 2022. Nhìn chung, Fitch coi cam kết của các cơ quan chức năng trong nỗ lực “giải quyết bong bóng tài chính bất động sản mới nổi” là yếu tố tích cực cho sự ổn định tài chính. Khi lãi suất giảm, khủng hoảng đã đạt đỉnh, các kịch bản xấu nhất (mà có thể khiến các khoản nợ tiềm ẩn biến thành rủi ro cho Việt Nam) ít có khả năng xảy ra hơn.
NÔNG NGHIỆP VIỆT HƯỞNG LỢI KHI TRUNG QUỐC MỞ CỬA
Trung Quốc mở cửa trở lại, doanh số và giá một số loại hoa quả của Việt Nam như vải thiều tăng mạnh. Trang Channel News Asia vừa đăng tải một phóng sự nói về tác động tích cực đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi Trung Quốc mở biên.
Hiện đang là mùa vải thiều ở Việt Nam, và phóng sự của Channel News Asia mở đầu bằng hình ảnh không khí mua bán hết sức nhộn nhịp từ sáng sớm ở làng Ấp, nơi người nông dân đổ về bán vải cho nhiều thương nhân Trung Quốc. Tất cả đang vui mừng vì giá vải thu hoạch đã tăng vọt kể từ khi Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, mở cửa biên giới trở lại. Theo nhiều người nông dân, giá vải năm nay thậm chí còn tăng gấp đôi so với giá trung bình năm ngoái.
Theo CNA, việc kiểm soát biên giới giữa tâm dịch COVID-19 đã làm gián đoạn xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, song hoạt động này đã bật tăng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới. Nửa đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 63% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng gấp 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 500 triệu USD.
Phóng sự dẫn kết luận của chuyên gia kinh tế Yun Liu của HSBC Global Research lạc quan rằng: “Việt Nam có vị thế tốt để nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định, chất lượng, và đặc biệt là rất nhiều dòng vốn đến từ Trung Quốc”, qua đó có nhiều hy vọng rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động tương tự đối với các lĩnh vực khác và vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng ít nhiều bởi đại dịch COVID-19 của Việt Nam.
LNG KHÓ GIẢI QUYẾT CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐIỆN CỦA VIỆT NAM
Việt Nam đã tiếp nhận lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên trong tháng này. Theo đánh giá của hãng thông tấn Reuters, vẫn còn nhiều rào cản phía trước và khí đốt nhập khẩu chưa thể sớm giải quyết được tình trạng thiếu điện của Việt Nam.
Bài viết trên Reuters dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết, những bất đồng về giá cả, sự chậm trễ trong xây dựng nhà máy và thiếu hợp đồng cung ứng dài hạn là những rào cản chính cho việc sử dụng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam, trung tâm sản xuất của Đông Nam Á, và vì vậy, cũng cản trở tham vọng biến khí đốt nhập khẩu thành nhiên liệu chính.
Theo đó, nhà máy điện khí đầu tiên chuẩn bị đi vào hoạt động, dự kiến cuối năm 2024, là nhà máy Nhơn Trạch 3 do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) xây dựng gần TPHCM. Tuy nhiên, các nguồn tin trong ngành cho hay thực tế có lẽ phải đến năm 2026 hoặc 2027, nhà máy này mới bắt đầu hoạt động. Theo chính quyền địa phương, tiến độ chậm là vì không có hợp đồng cung cấp khí dài hạn và các vướng mắc về kinh phí và giấy phép.
Sự chậm trễ và bất định khiến việc đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn trở nên khó khăn hơn giữa lúc Việt Nam phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu khác. Nếu không có nguồn cung LNG dài hạn, Việt Nam sẽ phải giao dịch với mức giá giao ngay không ổn định. Và nếu không thực hiện thành công các dự án LNG thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào các mục tiêu khí hậu của Việt Nam, trong đó có mục tiêu sử dụng khí đốt nhập khẩu và khí đốt trong nước làm nhiên liệu chuyển tiếp để giảm sử dụng than đá.