Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của nhiều 'ông lớn' công nghệ

Việt Nam đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn và an toàn với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực, nhiều tập đoàn tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã đổ vốn hoặc tích cực tìm kiếm cơ hội kinh doanh, làm ăn.

Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới và khu vực

Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới và khu vực

Hàng tỷ USD vốn công nghệ đang đổ vào Việt Nam

Các tờ báo, trang tin chuyên lĩnh vực kinh tế của khu vực và thế giới thời gian qua đã liên tục thông tin về việc các tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu về công nghệ tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, thông tin về khả năng những sản phẩm công nghệ nổi tiếng MacBook và Apple Watch sắp tới sẽ được sản xuất tại Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm.

Tờ tạp chí tiếng Anh Nikkei Asia uy tín hàng đầu khu vực trong lĩnh vực kinh tế của hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei mới đây cho biết, các nhà sản xuất cho “ông lớn” công nghệ Apple đang đàm phán với một số nhà cung cấp để lần đầu sản xuất máy tính xách tay MacBook và đồng hồ thông minh Apple Watch tại Việt Nam. Theo giới kinh tế, Việt Nam hiện đã là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của hãng Apple bên ngoài Trung Quốc, sản xuất một loạt các sản phẩm chủ lực cho công ty công nghệ của Mỹ.

Cùng mối quan tâm, tờ nhật báo tiếng Anh The Business Times xuất bản tại Singapore ngày 20-8 vừa qua cho biết, hãng Foxconn - nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới của Apple - sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào một địa phương ở miền Bắc Việt Nam. Cụ thể, Foxconn đã ký một biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD với nhà phát triển Kinh Bắc City của Việt Nam để mở rộng cơ sở ở miền Bắc đất nước nhằm đa dạng hóa và thúc đẩy sản xuất.

Các sản phẩm chủ chốt của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam sau khi tập đoàn công nghệ khổng lồ có trụ sở tại Cupertino, bang California của Mỹ này đã yêu cầu các nhà cung cấp chuyển bớt sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong bối cảnh hơn một nửa số nhà cung cấp chính của Apple xung quanh khu vực thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) bị ảnh hưởng do lệnh phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19. Điều này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm công nghệ khác nhau, khiến nhà sản xuất các sản phẩm của Apple phải tìm các giải pháp thay thế.

Tạp chí Nikkei Asia cho biết, trước mắt một số sản phẩm iPad sẽ được sản xuất tại Việt Nam và đây là “lần đầu tiên” Apple thực hiện quyết định chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện các nhà sản xuất sản phẩm cho Apple cũng đã thực hiện lắp ráp tai nghe AirPods tại Việt Nam.

Cùng chung nhận định về sự chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn, công ty công nghệ hàng đầu như Intel, Amkor, Hana Micron... từ Trung Quốc sang Việt Nam, báo The Print đưa tin, tập đoàn công nghệ Samsung của Hàn Quốc đầu tư 3,3 tỷ USD vào Việt Nam cho linh kiện bán dẫn trong bối cảnh chiến tranh chíp Mỹ-Trung. Theo đó, hãng Samsung đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất thử nghiệm tại tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam vào tháng 7-2023 và đã đầu tư 1,4 tỷ USD vào khu vực này. Samsung cũng hy vọng sẽ thành lập một Trung tâm nghiên cứu và phát triển mới tại Thủ đô Hà Nội vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023.

Tập đoàn công nghệ Intel của Mỹ trước đó đã mở cơ sở lắp ráp và thử nghiệm chíp lớn tại TP.HCM. Tập đoàn điện tử khổng lồ LG của Hàn Quốc năm 2021 cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để tăng sản lượng màn hình OLED tại thành phố cảng Hải Phòng. Theo giới kinh tế, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc càng thúc đẩy các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Theo phân tích của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, nền kinh tế Việt Nam đã được thúc đẩy gần 8% do sự chuyển dịch sản xuất khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung xảy ra.

Sản phẩm công nghệ sẽ chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu

Những thông tin về việc các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới và khu vực ngày càng quan tâm đầu tư vào Việt Nam, những số liệu cập nhật về đầu tư FDI vào nước ta cũng cho thấy rõ hơn điều này. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đã có hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và còn nhiều tập đoàn, công ty đang tiếp tục xúc tiến để đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế Việt Nam, trong đó đầu tư vào lĩnh vực công nghệ ngày càng nhiều.

Giới kinh tế thời gian qua cũng đã có những nhận định, phân tích về việc Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn. Theo đó, tập trung vào 3 yếu tố: Thứ nhất là, môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định về chính trị; Thứ hai là, chi phí lao động cạnh tranh; Thứ ba là, vị trí địa lý đắc địa với khả năng kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KorCham) tại Việt Nam cho rằng, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Điều đó tạo ra một môi trường sản xuất khá là thuận lợi. Samsung đang sản xuất điện thoại di động ở Việt Nam, sản lượng rất đáng kể, chiếm hơn một nửa số lượng sản xuất của tập đoàn trên toàn cầu.

Một trong những điểm mạnh lớn nhất của Việt Nam là khả năng thu hút vốn FDI vào các nhà máy lắp ráp và sản xuất các sản phẩm kỹ thuật từ điện thoại thông minh đến linh kiện tivi. Theo một nghiên cứu, Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia cho những nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới, đã đầu tư tổng cộng tới 376 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất của Việt Nam từ năm 2015 đến 2020.

Trong chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ hồi tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ quan chức của nhiều tập đoàn công nghệ lớn, định chế Mỹ để giới thiệu triển vọng đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại trụ sở Apple ở Cupertino, Chủ tịch tập đoàn Tim Cook cho biết Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple.

Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của các “ông lớn” công nghệ thế giới và khu vực. Nữ chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC Yun Liu cho biết, khoảng 20 năm trước, xuất khẩu hàng điện tử chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ sau 20 năm, nhờ dòng vốn FDI ổn định, thị phần điện tử trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên 35%, tức hơn 1/3.

Đánh giá tích cực về triển vọng thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam, công ty tư vấn độc lập hàng đầu thế giới Oxford Economics dự báo, khoảng 4% tổng xuất khẩu điện tử toàn cầu sẽ đến từ Việt Nam vào năm 2025. Ông Sian Fenner, chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics cho rằng, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất công nghệ.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam---diem-den-hap-dan-cua-nhieu-ong-lon-cong-nghe-post514766.antd