'Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới': Cần ưu đãi cho các nhà làm phim
Việt Nam sở hữu bề dày lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên phù hợp phát triển du lịch điện ảnh. Trước thực tế đó, để phát triển du lịch từ điện ảnh cần có sự đầu tư rất lớn từ các Bộ, ngành, đồng thời mở rộng liên kết giữa ngành du lịch với các tỉnh, địa phương, doanh nghiệp, các thị trường điện ảnh quốc tế lớn.
Tiềm năng lớn…
Việt Nam có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, tạo nên những thước phim như chốn tiên cảnh, cổ tích. Năm 2017, bộ phim “Kong: Skull Island” quay đến hơn 70% bộ phim ở Việt Nam, đem đến những hình ảnh mãn nhãn cho người xem. Đồng thời kích cầu du lịch quốc tế, lượng khách thế giới đến tham quan những khung cảnh xuất hiện trong phim tăng một cách nhanh chóng.
Trong vài năm gần đây, những bộ phim như “Cánh đồng bất tận”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, “Em và Trịnh” lấy bối cảnh quay ở Hà Giang, Đồng Tháp, Phú Yên, Huế, Đà Lạt… với những thước phim nên thơ, nhẹ nhàng đã đưa rất nhiều tỉnh, thành phố trở thành điểm du lịch được mọi người yêu thích và tìm đến trải nghiệm. Theo thống kê năm 2018 - 2019 của Tổng cục Du lịch, tỉ lệ tăng trưởng khách du lịch đến địa phương sau khi các phim trên được công chiếu là khá ấn tượng, như: Phú Yên tăng 113%, Hà Giang tăng 64%, Quảng Ninh tăng 69%, Quảng Bình tăng 141%...
Mới gần đây nhất, bộ phim “Hành trình tình yêu của một du khách” do Netflix quay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) và Hà Giang. Chỉ trong hai tuần sau khi phát hành, bộ phim đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng tốp 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh với 20,92 triệu giờ xem. Bộ phim cũng lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như tại 89 quốc gia trên nền tảng của Netflix. Một số tờ báo quốc tế nhận định, đây là bộ phim quảng cáo hoàn hảo cho du lịch Việt Nam, mang đến cho khán giả cái nhìn mới về Việt Nam, đất nước xinh đẹp, hấp dẫn với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa độc đáo và con người thân thiện.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Điện ảnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, phim ảnh là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hầu hết mọi người. Đặc biệt đối với những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italy… thì các tác phẩm điện ảnh của họ có sức lan tỏa rất lớn với lượng lớn khán giả ở trong nước, khu vực và thế giới. Những bộ phim “bom tấn” Hollywood có khả năng tiếp cận khán giả trên toàn cầu và có doanh thu lên tới hàng tỷ USD”.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đưa ra ví dụ nhiều quốc gia đã trở thành tiêu điểm thu hút khách du lịch trên toàn thế giới nhờ vào các bộ phim điện ảnh. Theo thống kê, từ năm 2001 sau khi các phần phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) được phát hành, lượng khách quốc tế đến New Zealand đã tăng 50%.
Còn tại Anh, trong giai đoạn 2011 - 2014 loạt phim “Harry Potter” giúp tăng 230% du khách nước ngoài đến thăm các phim trường ở nước này. Các địa danh tuyệt đẹp ở Croatia, Iceland, Bắc Ireland, Scotland… xuất hiện trong bộ phim Trò chơi vương quyền (Game of Thrones) cũng đã trở thành điểm thu hút khách du lịch sau khi bộ phim được phát hành.
Ở châu Á có rất nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển du lịch nhờ điện ảnh. Như Hàn Quốc, thông qua những bộ phim như “Tầng lớp Intaewon”, “Nàng Dae Jang-Geum”, “Người tình ánh trăng”... đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến các địa điểm trong phim tham quan. Ngoài ra, nhờ các bộ phim hấp dẫn mà du lịch ẩm thực của Hàn Quốc được nhiều hành khách yêu thích.
Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28/117 trên thế giới. Đây là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của bộ phim Kong: Skull Island với những cảnh quay hoành tráng tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood.
Nhưng không nên “du lịch hóa tác phẩm điện ảnh”
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới” Báo Nhân Dân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Văn hóa vừa tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển du lịch, quan tâm đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành khác. Những năm gần đây, Báo Nhân Dân đã chủ động xây dựng nhiều tuyến thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, vẻ đẹp của con người và những giá trị đặc biệt độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Tại tọa đàm, các đại biểu, diễn giả cùng phân tích làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch và điện ảnh Việt Nam. Các ý kiến khẳng định, Việt Nam sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; văn hóa đặc sắc, đa dạng; ẩm thực phong phú, độc đáo; con người hiền hòa, thân thiện, có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh, có cơ hội trở thành điểm đến mới của du lịch thế giới trong thời gian tới.
Bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam đưa ra quan điểm không nên “du lịch hóa tác phẩm điện ảnh”. “Tôi thấy chúng ta nói rất nhiều về việc đưa hình ảnh đẹp, phải làm du lịch kết hợp với điện ảnh. Tuy nhiên, theo tôi khi làm một bộ phim chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến”.
“Nếu chúng ta du lịch hóa tác phẩm điện ảnh thì vô hình trung cả hai bên sẽ không đạt được hiệu quả, phim sẽ không thành công và không quảng bá được du lịch. Tôi nghĩ Luật Điện ảnh 2022 rất mới, có nhiều tiền đề, khung pháp lý để tạo cơ chế. Nhưng những cơ chế và văn bản dưới luật dường như chưa có. Cụ thể, về thủ tục có đơn giản hơn. Ví dụ như trước đây, nếu chỉ quay 1/10 diễn biến bộ phim ở Việt Nam thì Nhà nước vẫn duyệt kịch bản 100%. Còn hiện nay, chỉ cần tóm tắt kịch bản phần không quay ở Việt Nam thôi, còn phần quay ở Việt Nam mới cần đưa kịch bản 100% cho Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch để cấp phép. Về phần cơ chế tài chính, chính sách, tôi thấy Nghị định 41 cũng có những điều tốt, tức là có các cơ chế giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim, nhưng theo luật thuế không có gì liên quan về cơ chế này. Khi đưa vào thực tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan thuế phải có những văn bản dưới luật, làm sao để có ưu đãi cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam”, bà Ngô Phương Lan chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chia sẻ về chương trình “Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Mỹ” với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” sẽ được tổ chức tại
Hollywood - kinh đô điện ảnh thế giới từ ngày 21 - 28/9/2024. Theo đó, chương trình dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều đạo diễn nổi tiếng, các hãng phim, công ty điện ảnh và những diễn viên có tầm ảnh hưởng của Hollywood. Trong chuyến xúc tiến này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, bối cảnh làm phim, du lịch, hợp tác... gắn liền với các sản phẩm du lịch, văn hóa, thương hiệu quốc gia.
Cùng với đó sẽ tập trung vào sự kết nối doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Bước đầu, có 5 hợp đồng sẽ được ký kết trong chuyến xúc tiến này, trong đó các địa phương cam kết sẽ bảo trợ và có cơ chế hỗ trợ các đoàn làm phim Hoa Kỳ. Dự kiến, sắp tới cũng sẽ có các cuộc xúc tiến điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.