Việt Nam đoạt 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Olympic Toán quốc tế 2019
Ngày 20-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã thông tin về kết quả chính thức của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại Olympic Toán quốc tế (IMO). Theo đó, cả 6 học sinh của đội tuyển đều đoạt giải, gồm 2 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc.
Cụ thể, đoạt 2 Huy chương Vàng gồm hai em: Nguyễn Nguyễn, học sinh Trường Phổ thông năng khiếu, Đại học Quốc gia TPHCM (34 điểm) và Nguyễn Thuận Hưng, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú, Hải Phòng (32 điểm).
4 Huy chương Bạc dành cho các em: Phan Minh Đức, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Thành phố Hà Nội (28 điểm); Vũ Đức Vinh, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An (28 điểm); Vương Tùng Dương, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc (28 điểm); Nguyễn Khả Nhật Long, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (27 điểm).
Olympic Toán quốc tế năm 2019 được tổ chức tại Vương quốc Anh với sự tham gia của 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với 2 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc, đội tuyển quốc gia Việt Nam đã tiến 13 bậc so với IMO năm 2018, nằm trong Top 10 nước đứng đầu về thành tích tại Kỳ thi này, theo thứ tự gồm: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên, Thái Lan, Nga, Việt Nam, Singapore, Serbia và Ba Lan. Như vậy Việt Nam xếp thứ 7 toàn đoàn.
Thành tích của đội tuyển quốc gia Việt Nam tại Olympic Toán quốc tế năm nay tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; đồng thời khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự cố gắng, nỗ lực của các học sinh, các thầy cô giáo tham gia công tác học sinh giỏi trong thời gian qua.
Bộ GD-ĐT sẽ đón và chúc mừng thành tích của đoàn dự thi Olympic Toán quốc tế năm 2019 tại sân bay quốc tế Nội Bài vào 10 giờ sáng ngày 23-7 tới.
Tham dự IMO năm nay, Trưởng đoàn Việt Nam là PGS.TS Lê Anh Vinh- Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Đây là năm thứ 4, ông Lê Anh Vinh đảm nhận nhiệm vụ này. Phó trưởng đoàn là TS Lê Bá Khánh Trình.
Việt Nam bắt đầu tham gia IMO từ năm 1974, là nước châu Á đầu tiên tham dự kỳ thi này và luôn đạt được thành tích cao. Sau 41 lần tham dự IMO, Việt Nam đã 3 lần xếp hạng 3 toàn đoàn vào các năm 1999, 2007 và 2017. Thành tích cao nhất xét trên số huy chương là IMO 2004 với 4 huy chương Vàng và 2 huy chương Bạc.
Đáng chú ý ở kỳ thi năm nay, trong đề thi của ngày thứ 2, thầy giáo dịch đề của đội tuyển Việt Nam là PGS-TS Lê Anh Vinh đã đưa tên GS Hoàng Tụy vào bản dịch của đề thi.
GS Hoàng Tụy là một nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam vừa qua đời ngày 14-7 ở tuổi 92. Ông là một trong hai người tiên phong trong việc xây dựng ngành Toán học của Việt Nam. Không chỉ là một nhà toán học, GS Hoàng Tụy cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam.
PGS Lê Anh Vinh chia sẻ: “Đang làm đề IMO thì nghe tin thầy Tụy mất. Tôi thuộc thế hệ sau, chưa một lần được gặp thầy nên không biết nói gì. Chỉ xin mạo muội được đưa tên thầy vào bản dịch của đề thi IMO năm nay như một nén hương của kẻ hậu bối, tri ân một trong những người đã đặt nền móng cho hệ thống chuyên toán và phong trào IMO của Việt Nam. Xin kính cẩn vĩnh biệt thầy…”.
Theo quy định tại IMO, trước mỗi buổi thi, nước chủ nhà sẽ chọn ra 28 bài toán, các trưởng đoàn sẽ biểu quyết chọn ra 6 bài, đủ 4 phân môn đại số, hình học, tổ hợp, số học. Sau đó, các trưởng đoàn sẽ thống nhất đáp án, thang điểm, rồi sẽ dịch ra tiếng nước mình cho học sinh làm bài. Khi dịch, các trưởng đoàn sẽ bám sát tiếng Anh, tuy nhiên tên người được nhắc đến trong đề bài thì người dịch được phép thay đổi cho phù hợp với văn hóa của từng quốc gia.
Nhiều năm trước, đề thi dịch sang bản tiếng Việt cũng được đổi tên như năm 2016, các thầy giáo dịch đề đã chọn tên thầy Nguyễn Khắc Minh thay cho tên Geoff ở bản tiếng Anh.