Việt Nam đối mặt nguy cơ: Mỏ dầu cũ hút kiệt, tìm mỏ mới quá khó

Sự sụt giảm của dầu thô khai thác trong nước thể hiện rất rõ trong những năm gần đây. Nếu làm thêm nhà máy lọc dầu mới thì cũng sẽ phải nhập dầu thô từ nước ngoài về lọc.

Khai thác dầu thô giảm mạnh

Kể từ năm 2018, Việt Nam bắt đầu nhập một lượng dầu thô đáng kể nhằm cấp nguyên liệu cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng sản lượng khai thác dầu khí trong 5 năm (2016-2020) đạt 121,14 triệu tấn quy dầu, trong đó khai thác dầu đạt 71,27 triệu tấn. Trong số 71,27 triệu tấn này, khai thác trong nước đạt 61,45 triệu tấn, bằng 122,9% so với quy hoạch giai đoạn 2016-2020; ở nước ngoài đạt 9,82 triệu tấn, bằng 98,2% so với quy hoạch.

Khai thác dầu thô ngày càng cạn kiệt

Khai thác dầu thô ngày càng cạn kiệt

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước này một phần được cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Australia,... Những năm gần đây, xuất khẩu dầu thô ngày càng giảm và nhập khẩu dầu thô (từ các nước như Mỹ, Nigeria, Kuwait…) tăng nhanh nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước chỉ còn 9,65 triệu tấn (năm 2020), trong khi riêng liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn công suất đã lên tới 10 triệu tấn dầu thô/năm, còn lọc dầu Dung Quất công suất ở mức tối đa 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Khai thác dầu thô trong nước giảm dần

Khai thác dầu thô trong nước giảm dần

Như vậy, nhu cầu dầu thô lên đến 16,5 triệu tấn dầu thô/năm của 2 nhà máy này đã cao gần gấp đôi so với lượng khai thác trong nước. Đó là chưa kể đến dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn công suất 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 của nhà đầu tư Thái Lan. Như vậy việc phải nhập khẩu dầu thô để về lọc là điều tất yếu và còn liên quan đến công nghệ lọc, bài toán kinh tế của các nhà máy lọc dầu.

So với nhu cầu xăng dầu trong nước khoảng 18 triệu tấn/năm thì sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nếu xây thêm nhà máy lọc dầu mới, nguồn cung dầu thô trong nước cũng sẽ rất căng thẳng và tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó, việc tìm kiếm thăm dò các mỏ dầu mới ở trong nước lại có những dấu hiệu báo động.

Thu ngân sách từ dầu thô cũng giảm

Thu ngân sách từ dầu thô cũng giảm

Cảnh báo khó khăn tìm kiếm mỏ dầu mới

Số liệu được Bộ Công Thương tổng hợp cho thấy, gia tăng trữ lượng dầu khí 5 năm 2016-2020 đạt 61,4 triệu tấn quy dầu, trung bình đạt 12,28 triệu tấn quy dầu/năm, bằng 122,8% quy hoạch giai đoạn 2016-2020 (10-20 triệu tấn quy dầu/năm).

Việc phát hiện dầu khí mới đang có những dấu hiệu đáng báo động. Giai đoạn 2011-2015 có 24 phát hiện dầu khí mới, trong đó có nhiều phát hiện dầu khí quan trọng.

Thế nhưng bước sang giai đoạn 2016-2020 chỉ có 7 phát hiện dầu khí mới, gồm Phong Lan Dại (Lô 06-1, năm 2016), Cá Trích (Lô 11-2, năm 2018), Mèo Trắng Đông - 1X (Lô 09-1), Thổ Tinh Nam-1X (Lô 05-3/11, năm 2018), Lô 06-1 (năm 2019), Kèn Bầu (Lô 114- năm 2020), Sói Vàng (Lô 16-1/15, VSP năm 2020).

"Đặc biệt, kết quả giếng khoan Kèn Bầu-1X Lô 114, Eni (2019) đã xác minh hệ thống dầu khí của lô, đồng thời định được 5 tầng chứa dầu khí có trữ lượng tại chỗ khả quan. Đây là giếng khoan quan trọng, là tiền đề để mở ra triển vọng thăm dò/thẩm lượng trong khu vực lô hợp đồng cũng như khu vực Trung tâm bể Sông Hồng", theo đánh giá được Bộ Công Thương tổng hợp.

Hợp đồng dầu khí được ký mới cũng có dấu hiệu suy giảm. Giai đoạn 2011-2015 có 21 hợp đồng dầu khí được ký mới, trong đó có nhiều hợp đồng dầu khí ở các lô nước sâu, xa bờ. Thế nhưng sang giai đoạn 2016-2020 chỉ có 3 hợp đồng dầu khí được ký mới, gồm : PSC Lô 16-1/15 (năm 2016) và PSC Lô 125&126 (năm 2017), PSC Lô 15-2/17 (năm 2019).

Cùng với đó, nguồn lực đầu tư cho tìm kiếm thăm dò ngày càng giảm. Giai đoạn 2011-2015 đạt 4,728 tỷ USD (trung bình 946 triệu USD/năm), trong đó đầu tư phía nước ngoài 56,9%. Tuy nhiên, giai đoạn 2016-2019 đầu tư cho tìm kiếm thăm dò chỉ đạt 1,11 tỷ USD (trung bình 279 triệu USD/năm; bằng 29,5% trung bình giai đoạn 2011-2015), trong đó đầu tư nước ngoài chiếm 66,7%.

Trong năm vừa qua, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò gặp nhiều khó khăn. Các lô dầu khí mở có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến các nhà đầu tư ít hoặc không quan tâm đến việc ký các hợp đồng dầu khí mới - Bộ Công Thương lý giải khi soạn thảo chiến lược năng lượng đến năm 2030.

Bộ này cho rằng, việc gia tăng trữ lượng dầu khí, bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm, đảm bảo sự phát triển bền vững là một thách thức vô cùng to lớn. Các khu vực truyền thống có tiềm năng dầu khí đã được thăm dò khá chi tiết, nhất là ở bể Cửu Long nên các phát hiện phần lớn đều nhỏ, do vậy đòi hỏi phải mở rộng hoạt động tìm kiếm thăm dò ra các khu vực nước sâu, xa bờ. Tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại được đánh giá tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ.

Trong khi đó, những người làm trong ngành dầu khí cho rằng cơ chế chính sách cho thăm dò tìm kiếm đang rất vướng mắc bởi lĩnh vực này rất rủi ro và tốn kém, khả năng phát hiện mỏ dầu mới cũng không thể nói trước được.

Ông Trần Sỹ Thanh, khi còn là Chủ tịch HĐTV PVN, đã nhấn mạnh khâu tìm kiếm thăm dò chính là mối lo lớn nhất cho việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước. “Xưa hút 1 tấn dầu thì gia tăng 1,5 đến 2 lần. Còn chúng tôi giờ hút 1 nhưng chỉ bù đắp 0,3-0,4. Nên nói thẳng là chúng ta đang ăn vào công sức của ngày trước”, ông Thanh nói trong một hội thảo năm 2019.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/dau-mo-can-kiet-kho-tim-mo-moi-824043.html