Việt Nam đủ sức tự nâng cấp AK-47 theo cấu hình KM-AK Obevs

Hiện tại Quân đội Nga đang triển khai trên diện rộng bộ chuyển đổi KM-AK nhằm nâng cao tính năng kỹ chiến thuật của khẩu súng trường tấn công AK-74 nổi tiếng.

Quân đội Nga đang trên đường hiện đại hóa nhanh chóng, ngoài phương tiện tác chiến hạng nặng như máy bay, tàu chiến, xe tăng... thì trang bị cá nhân của người lính mà cụ thể ở đây là bộ trang phục Ratnik cũng rất được quan tâm đầu tư.

Quy trình lựa chọn một mẫu súng trường tấn công thế hệ mới dành riêng cho Ratnik hiện cũng đang được tích cực triển khai với nhiều ứng viên sáng giá, tuy nhiên lúc này lại phát sinh vấn đề đó là chi phí quá tốn kém trong khi những khẩu AK-74, AK-103 cũ hơn vẫn còn rất nhiều tiềm năng để nâng cấp.

Giải pháp được người Nga đưa ra là tích hợp cho súng một bộ chuyển đổi có tên gọi KM-AK Obevs, bao gồm báng dạng rút, tay cầm và loa che lửa mới, đặc biệt là các đường ray picatinny để lắp thêm nhiều loại phụ kiện.

Một khẩu AK-74 lắp bộ chuyển đổi KM-AK Obevs. Ảnh: Ria Novosti.

Một khẩu AK-74 lắp bộ chuyển đổi KM-AK Obevs. Ảnh: Ria Novosti.

Theo đánh giá sau khi tích hợp bộ chuyển đổi KM-AK Obevs thì tính năng kỹ chiến thuật của súng trường tấn công AK-74 đã tăng gấp 1,5 lần so với trước khi hiện đại hóa, đủ khả năng sử dụng cho bộ trang phục Ratnik trong lúc chờ đợi được thay thế bằng một mẫu súng công nghệ cao hơn.

Cách làm của Nga cũng mở ra gợi ý cho các quốc gia khác đang sử dụng súng AK-47 hay AKM học tập. Đã có ý kiến cho rằng Việt Nam nên nhanh chóng áp dụng mô hình này cho súng AKM.

Nhưng thực chất không phải chờ đợi lâu đến vậy, các nhà máy công nghiệp quốc phòng của chúng ta đã lặng lẽ thực hiện một phương pháp có thể coi như "KM-AK made in Việt Nam" từ khá lâu với mẫu súng trường tấn công STL-1A.

Súng trường tấn công STL-1A do Việt Nam nâng cấp từ khẩu AKM. Ảnh: Tiền Phong.

Súng trường tấn công STL-1A do Việt Nam nâng cấp từ khẩu AKM. Ảnh: Tiền Phong.

Cách làm của Việt Nam cũng khá giống với Nga, đó là lắp cho khẩu AKM một ốp lót tay dưới bằng nhựa với vị trí để tích hợp thêm súng phóng lựu M203, bên cạnh dó là bổ sung loa che lửa mới tương tự AK-74 cũng như lắp báng gập sang trái.

Thiếu sót của cách làm trên so với KM-AK của Nga đó là khẩu STL-1A của Việt Nam vẫn phải sử dụng đường ray thép bên hông để gắn kính ngắm theo dạng "kẹp" chứ chưa có ray picatinny tiêu chuẩn, đây là điều cần nhanh chóng cải tiến.

Nhưng trên hết phải khẳng định rằng việc sản xuất các bộ chuyển đổi với tính năng tương đương KM-AK là hoàn toàn nằm trong tầm tay của các nhà máy như Z111, cho nên chúng ta nên nhanh chóng ứng dụng cấu hình này để cho ra đời phiên bản STL-2A (hoặc STL-1B) thay cho khẩu STL-1A với các cấu kiện bổ sung như hiện tại.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/viet-nam-du-suc-tu-nang-cap-ak-47-theo-cau-hinh-km-ak-obevs/20190828103722303