Việt Nam đứng đầu ASEAN về tạo việc làm cho lao động nữ
Ngày 10/9, tại Manila, Philippines, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phát đi báo cáo chung nhận định: Chính phủ các nước Đông Nam Á đang tăng cường cấu trúc quản lý nhà nước và năng lực thể chế để cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 quốc gia Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
“Tăng cường năng lực thể chế nhà nước là hết sức quan trọng đối với mọi hoạt động, và ADB luôn cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển của chúng tôi trong việc cải thiện các chức năng quản lý và sự ổn định tài chính của khu vực công; cũng như thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ công ích lấy người dân làm trung tâm, hiệu quả, kịp thời và không tham nhũng”, Phó chủ tịch phụ trách Quản lý tri thức và Phát triển bền vững của ADB, ông Bambang Susantono, chia sẻ.
Các báo cáo gần đây của OECD cũng đã nêu bật tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực thể chế trong khu vực công nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy các xã hội công bằng hơn đối với khu vực ASEAN. Mục tiêu của báo cáo là định hướng cho những cải cách ở khu vực công và hỗ trợ tạo ra các chính phủ lấy người dân làm trung tâm.
Bảy quốc gia ở Đông Nam Á đã áp dụng những công cụ nhận dạng kỹ thuật số và chỉ có hai quốc gia tích hợp các cổng thông tin trực tuyến nhằm cải thiện dịch vụ công bằng cách làm cho các dịch vụ của chính phủ trở nên dễ tiếp cận hơn với công chúng.
Minh bạch về ngân sách, một thành phần chủ chốt của chính phủ công khai, cho phép các công dân tiếp cận thông tin về cách thức thu, phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều công bố ngân sách được phê duyệt của họ. Tám quốc gia công bố tài liệu hướng dẫn về ngân sách dành cho công dân, trong đó giải thích các mục tiêu của ngân sách bằng ngôn ngữ dễ hiểu và cung cấp thông tin chủ chốt để giúp công dân hiểu rõ quy trình ngân sách và đánh giá tác động của quy trình này đối với đời sống của họ. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số này cung cấp thông tin kinh tế như phương pháp luận và giả định kinh tế trong việc dự toán tài khóa hỗ trợ việc lập ngân sách.
Tất cả các quốc gia đều đang phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng mới thông qua hình thức đối tác công - tư (PPP). Nhưng chỉ một nửa trong số này thực hiện các đánh giá tương đối để xác định liệu hình thức đối tác công - tư có hiệu quả hơn so với hệ thống đấu thầu mua sắm cơ sở hạ tầng truyền thống hay không. Báo cáo này cho thấy rằng cần có thêm những phân tích và đánh giá làm cơ sở cho việc ra quyết định nhằm cải thiện quản lý cơ sở hạ tầng.
Báo cáo cũng nhận thấy rằng phụ nữ có tỷ lệ đại diện tương xứng trong lực lượng lao động ở khu vực công của ASEAN, mặc dù họ phải đối mặt với những rào cản đáng kể để vươn tới các vị trí lãnh đạo cấp cao. Trong năm 2016, gần một nửa (47%) các vị trí việc làm trong khu vực công tại các nước ASEAN do phụ nữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, chỉ có 10% các vị trí bộ trưởng tại những nước Đông Nam Á do phụ nữ nắm giữ, so với tỉ lệ 28% ở các nước OECD. Tính trung bình, phụ nữ chiếm 20% số ghế trong quốc hội các nước ASEAN vào năm 2018, chỉ cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với năm 2008.
Từ năm 2009 đến 2016, tỷ lệ phụ nữ có việc làm trong tổng số việc làm tại Việt Nam vẫn ổn định ở mức 48,5%, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á (trung bình khu vực là 42,7%). Trong cùng khoảng thời gian này, việc làm trong khu vực công do phụ nữ nắm giữ tăng từ 46% lên 48,1% và cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á năm 2016 là 46,9%. Việc có đại diện cân bằng trong khu vực công có thể đóng góp cho các chính sách và mục tiêu công bằng hơn.
Giám đốc về Quản trị công của OECD, ông Marcos Bonturi, nhận định: “Báo cáo đã kết hợp kinh nghiệm chuyên môn của OECD trong việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin về các thực tiễn quản lý nhà nước, với tri thức và kinh nghiệm của ADB trong quản trị nhà nước và quản lý khu vực công ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương”. OECD đã thực hiện những báo cáo tương tự ở khu vực Mỹ Latinh và Caribê.
Báo cáo "Tổng quan về các chính phủ Đông Nam Á 2019" cung cấp số liệu có thể so sánh ở cấp quốc tế về những nguồn lực của chính phủ, các quy trình và kết quả của hoạt động quản lý nhà nước tại các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Báo cáo phân tích 34 chỉ số trong các lĩnh vực như dịch vụ công ích, bao gồm thúc đẩy chính phủ điện tử, tạo ra sự minh bạch lớn hơn, và cung cấp cơ hội việc làm tốt hơn cho phụ nữ.