Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về mất cân bằng giới tính

Tỷ lệ tự nhiên về giới tính khi sinh của con người, theo Tổ chức Y tế Thế giới, là 105 nam/100 nữ, nếu số bé trai quá ngưỡng 105, sẽ có các hệ lụy xã hội về lâu dài.

Người Việt ngày càng lười đẻ

Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, năm 2018 dân số nước ta tăng thêm 1 triệu người so với năm 2017, lên mức 94,67 triệu người. Như vậy, Việt Nam đang đứng thứ 14 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, dù diện tích xếp ở vị trí 65.

Tuy nhiên, đây là năm thứ 2 liên tiếp, tổng tỉ suất sinh cả nước tiếp tục dưới mức sinh thay thế với 2,05 con, cho thấy người dân Việt Nam ngày càng lười đẻ. Trong khi suốt 10 năm trước đó, giai đoạn từ 2006–2016, nước ta luôn duy trì được mức sinh lý tưởng 2,1 con (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Trong năm 2018 có 24/63 tỉnh - chủ yếu ở các tỉnh kinh tế còn khó khăn, chiếm 30% dân số - có mức sinh cao trên 2,3 con, trong đó 12 tỉnh có mức sinh rất cao, trên 2,5 con.Tuy nhiên 16 tỉnh, thành phố lớn - nơi có kinh tế - xã hội phát triển, chiếm 31% dân số - mức sinh giảm nhanh, hiện xuống dưới 1,8 con; cá biệt tại 4 thành phố lớn có mức sinh dưới 1,6 con, riêng TPHCM đã xuống dưới 1,5 con, thấp nhất cả nước. Theo dự đoán, mức sinh tại Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới. Đây là thách thức lớn cho ngành dân số vì kinh nghiệm từ trước tới nay cho thấy: chưa có quốc gia nào thành công trong việc nâng mức sinh.

Trước đó sau nhiều năm liên tục giảm, từ 2013, tỉ số giới tính khi sinh bắt đầu nhích lên 113,8 bé trai/100 bé gái; năm 2014 là 112,2; năm 2015 là 112,8; năm 2016 là 112,2; năm 2017 là 112,1. Như vậy, 2018 là năm có tỉ số giới khi sinh tăng nhanh và ở mức cao nhất từ trước đến nay. Ngay tại Hà Nội, nhiều quận, huyện ngoại thành cũng có tỉ số giới tính trên 115 bé trai/100 bé gái.

Với tỉ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất và là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc với tỉ lệ 117-118 bé trai/100 bé gái. Kỷ lục tại quốc gia đông dân nhất thế giới từng có lúc lên tới gần 140/100. Ở Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới - tỉ lệ này cũng chỉ ở mức 110-111/100.

Riêng tại Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019, nhưng vẫn ở mức cao.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết: sau 3 năm kiên trì thực hiện các giải pháp đề ra tại Kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025 như: vận động không sinh con thứ ba, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, tuyên dương các gia đình sinh con một bề gái... tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm và được kiểm soát tốt hơn. Kết thúc năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 113 trẻ trai/ 100 trẻ gái, lần đầu tiên hạ xuống mức thấp hơn bình quân của cả nước (113,2 trẻ trai/ 100 trẻ gái) sau nhiều năm luôn ở mức cao hơn.

Ước tính hết 6 tháng đầu năm 2019, tổng số sinh trên toàn thành phố Hà Nội vào khoảng 32.500 trẻ, trong đó số trẻ là con thứ 3 trở lên khoảng gần 3.590 trẻ; tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến đến hết năm 2019 tỷ số này không quá 113 trẻ trai/100 trẻ gái, như chỉ tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Mê Linh... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, thậm chí một số huyện vẫn ở mức báo động. Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sóc Sơn lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái, Quốc Oai, Mỹ Đức là 117 trẻ trai/100 trẻ gái.

Công tác vận động, tuyên truyền người dân rất khó khăn

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) - cho biết: Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục “trọng nam, khinh nữ”. Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cùng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình. Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện. Sự khác biệt về vai trò, trách nhiệm, vị thế và quyền hạn của nam và nữ mà xã hội tạo dựng đã gây ra những điều bất lợi cho cả hai giới, thể hiện sự bất bình đẳng giới. Thống kê toàn cầu, thu nhập của phụ nữ bằng khoảng 50-90% thu nhập nam giới. Tại châu Phi, châu Á, trung bình một tuần phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới 12-13 giờ.Trong tổng số 872 triệu người mù chữ tại các nước đang phát triển, phụ nữ chiếm 2/3. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ nông thôn làm việc trung bình 14 giờ một ngày và hưởng ít hơn 20-40% thu nhập của nam giới. Đây là những lý do khiến mất cân bằng giới tính khi sinh.

Khi Việt Nam phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính trước sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nhiều người sẵn sàng nạo phá thai khi biết đứa bé trong bụng không phải là con trai. Hơn nữa, ngày nay nhiều người chấp nhận chuẩn gia đình chỉ từ 1-2 con. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng đã chủ động áp dụng những thành tựu của khoa học để lựa chọn giới tính thai nhi. Trong khi đó, quy định pháp luật xử lý vi phạm với người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi chưa đủ sức răn đe.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Nhóm nam giới gặp khó khăn trong việc tìm vợ hoặc không thể lấy được vợ, phải duy trì cuộc sống độc thân có thể gây ra những bất ổn về trật tự an toàn ở cộng đồng, làm gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ và các loại tội phạm xã hội khác do nhu cầu tình dục của họ không được đáp ứng. Mất cân bằng giới tính còn gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỉ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao một cách đáng kể. Đối với các gia đình, hạnh phúc sẽ không trọn vẹn nếu trong gia đình có nam giới đã đến tuổi trưởng thành nhưng không lấy được vợ, điều này dẫn đến những lo lắng căng thẳng về tâm lý đối với các thành viên trong gia đình ảnh hưởng đến hạnh phúc và phát triển của gia đình. Hoặc có những người vợ phải cố sinh thêm con trai do sức ép từ phía gia đình hoặc người chồng, phải nạo phá thai vì lý do lựa chọn, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh: công tác quan trọng hàng đầu để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là vận động, tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người dân, các cặp vợ chồng trẻ về bất bình đẳng giới tính. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng rất khó khăn.

Bà Trần Thị Thúy Miên - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn – địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất của Hà Nội hiện nay chia sẻ: Nhiều năm qua, huyện đã triển khai, phối hợp triển khai tuyên truyền với hình thức rất đa dạng, tập trung vào các xã có mức chênh lệch giới tính cao. Song nhìn lại từ năm 2010 đến nay, nhiều xã như Tân Dân, Việt Long, Tiên Dược, thị trấn Sóc Sơn… tỷ số giới tính hầu như không giảm hoặc trồi sụt, tức năm nay giảm thì năm sau lại cao. Đây cũng là vấn đề khiến địa phương rất đau đầu.

Một giải pháp quan trọng nữa là giám sát, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính trước sinh, nhất là ở các phòng khám tư, song biện pháp này dường như cũng không phát huy được hiệu quả. Đây là hành vi vi phạm quy định nhưng thực tế rất khó phát hiện.

Ông Tạ Quang Huy cho biết, thành phố đã phân cấp rất rõ cho các quận huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi. Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã của thành phố 6 tháng đầu năm nay không phát hiện được trường hợp nào vi phạm. Tiếp đó, Chi cục DS-KHHGĐ cũng đi phúc tra và kiểm tra điểm tại một số nơi.

“Thậm chí, chúng tôi cũng cử cán bộ đóng vai khách hàng để thị sát tại một số cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhưng cùng không phát hiện được vi phạm. Phải nói thực sự là phát hiện rất khó vì các cơ sở lách luật rất tinh vi” – ông Tạ Quang Huy nói. - Tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra tại một số nhà sách trên địa bàn thành phố, nếu phát hiện các tài liệu, sách hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi sẽ xử lý”.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gioi-tinh/viet-nam-dung-dau-dong-nam-a-ve-mat-can-bang-gioi-tinh-tintuc440670