Việt Nam được chào đón tại Nam Sudan
Đối với những người lính mũ nồi xanh mặc áo blue trắng đến từ Việt Nam, Tổ quốc trong tim luôn là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao, là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Chuyện những chiến sĩ quân y Việt Nam đội mũ nồi xanh ở Nam Sudan (Kỳ 3)
“Niềm tự hào ấy rõ ràng tới mức dường như có thể chạm vào được”
Tinh thần và quyết tâm của các thầy thuốc quân y Bệnh viện Dã chiến (BVDC) 2.1 ở Bentiu đã để lại những ấn tượng tốt đẹp không chỉ với chỉ huy Phái bộ mà cả với lãnh đạo chính quyền và người dân ở địa bàn đóng quân. Các cán bộ, y, bác sĩ quân y Việt Nam đi tới đâu cũng được người dân Nam Sudan chào đón và tung hô “Việt Nam, Việt Nam”.
“Chúng tôi cảm thấy rất tự hào vì đã được góp một phần nhỏ bé tôn vinh hình ảnh Tổ quốc Việt Nam ở nơi có nhiều quốc gia đang chung tay gánh vác sứ mệnh GGHB LHQ. Các bạn phải tới đây mới thấy tự hào nhường nào khi chứng kiến lá quốc kỳ Việt Nam tung bay bên cạnh lá cờ LHQ và các nước. Niềm tự hào ấy rõ ràng tới mức dường như có thể chạm vào được…”, Đại úy Nguyễn Hồng Hải, Điều dưỡng Trưởng BVDC 2.1 thổ lộ khi anh nhớ lại những lần cùng đồng đội tiếp xúc với người dân Nam Sudan và cảm nhận được tình cảm yêu mến của họ dành cho các bác sĩ Việt Nam.
Trước khi tới nơi, các cán bộ, nhân viên BVDC 2.1 đã được nghe những câu chuyện về tình cảm của người dân châu Phi nói chung và người dân Nam Sudan nói riêng đối với Việt Nam. Đó là những câu chuyện được kể lại bởi các sĩ quan Việt Nam đã và đang triển khai tham gia các phái bộ GGHB LHQ dưới hình thức cá nhân, ở CH Trung Phi và Nam Sudan. Nhưng khi tới Nam Sudan, trực tiếp tham gia sứ mệnh của những người lính mũ nồi xanh, họ mới thực sự là người trong cuộc. Đối với họ, Tổ quốc trong tim luôn là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao, là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Ngọn lửa tinh thần và nghị lực đó, có lẽ 10 nữ quân nhân ở BVDC 2.1 là những người hiểu hơn ai hết khi họ đã vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ. Gác lại công việc của người vợ, người mẹ, những nữ quân nhân BVDC Việt Nam vốn là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng với ý chí và nghị lực được rèn luyện trong quân ngũ, họ không hề tỏ ra kém cạnh các đồng nghiệp nam về khả năng thích nghi trong cuộc sống cũng như trong công việc. Hậu phương vững chắc của họ là những người chồng sẻ chia, những người con ngoan và sự ủng hộ từ gia đình. Chính những điều đó đã làm cho họ cảm thấy yên tâm nhiều hơn trong công tác.
Còn với những cô gái trẻ chưa có gia đình ở BVDC 2.1, như y tá Tô Thị Kiều Chinh, một năm làm nhiệm vụ quốc tế cũng là một năm cô được tiếp thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Đó là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không bao giờ mất niềm tin, và luôn nỗ lực không ngừng.
“Chính những người dân châu Phi nghèo khổ vì chiến tranh, nhưng chưa bao giờ mất niềm tin vào cuộc sống, đã dạy cho em bài học đó”, Kiều Chinh chia sẻ.
“Khi về em sẽ rất nhớ vùng đất này, nhớ những người dân và cả công việc đặc biệt ở nơi đây”.
Qũang thời gian đẹp nhất đời quân ngũ
Ở nơi khí hậu khắc nghiệt như châu Phi, tiềm ẩn rủi ro về an ninh, an toàn, nhưng chưa bao giờ họ mất đi tinh thần lạc quan. Tình người trong gian khó càng tỏa sáng, với tinh thần đoàn kết, yêu thương và sẻ chia, họ đã cùng nhau vượt qua từng khó khăn, thích nghi với cuộc sống thiếu thốn của những người lính xa nhà, xa quê hương. Động viên nhau bằng nụ cười, một năm làm nhiệm vụ cùng đồng chí, đồng đội là một năm họ cùng nhau sẻ chia những buồn vui và khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân kể, những lần trong bệnh viện có người ốm đau, nhất là có người “dính sốt rét”, khi bác sĩ trở thành bệnh nhân, cả bệnh viện lại tíu tít thăm hỏi, chăm sóc, thuốc thang, khiến các “bệnh nhân bác sĩ” quên cả mệt.
Bác sĩ Ngân còn bày tỏ sự quý mến và khâm phục với các thành viên ở ban Hậu cần, như anh Chử Đức Hiệp, kỹ sư trạm nguồn không nề hà bất cứ công việc gì, kể cả những việc ngoài chuyên môn như khuân vác, khiêng đồ. Tay chân không lúc nào ngừng nghỉ, nhất là lúc mới sang, anh em còn thiếu những vật dụng cá nhân hằng ngày như chiếc ghế, chiếc giá để giày… anh Hiệp lại cùng một số anh em Hậu cần phơi mình giữa trời nắng tận dụng những thanh gỗ thùng hàng để đóng những đồ mộc đơn giản thiết yếu.
Ở một nơi như Bentiu, mỗi cán bộ, nhân viên bệnh viện đều mong muốn và ý thức sử dụng từng giờ, từng ngày sao cho có ý nghĩa nhất theo cách của riêng mình. Có nhiều người chọn cách tự học thêm tiếng Anh. Dạo mới sang, Trung úy trẻ nhất bệnh viện Nguyễn Thế Anh cho biết dự định sẽ tranh thủ giao tiếp với đồng nghiệp bằng tiếng Anh, tận dụng mọi cơ hội giao tiếp với các bạn quốc tế để tăng trình độ ngoại ngữ.
Điều đáng quý là Thế Anh và những bạn trẻ ở BVDC 2.1 đã trở thành một nhóm thân thiết, đoàn kết, yêu thương, gắn bó như anh em. Người giỏi tiếng Anh hơn thì hỗ trợ cả nhóm học thêm tiếng Anh, luyện từ mới hay giao tiếp, không chỉ để phục vụ cho công việc tại môi trường đa văn hóa, đa quốc gia, mà còn để chuẩn bị sẵn sàng những hành trang tri thức cho những dự định trong tương lai.
Lúc rảnh họ lại xúm vào làm những công việc cả nhóm yêu thích như phụ bếp, hay đơn giản là chụp với nhau những bức ảnh chung làm kỷ niệm để lưu giữ lại quãng thời gian mà ai cũng cho là đẹp nhất đời quân ngũ. Theo thời gian làm nhiệm vụ ở Bentiu, những khuôn mặt trẻ trung của các thành viên nhỏ tuổi nhất ở BVDC 2.1 cũng đã rắn rỏi, già dặn hơn nhiều. Sau một năm làm nhiệm vụ bên đồng chí, đồng đội, ai cũng tự thấy mình trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và đặc biệt là đã học được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và công việc.
Khó có thể kể hết về những chiến sĩ quân y mũ nồi xanh làm nhiệm vụ nơi tiền tuyến vì lý tưởng và nhiệm vụ quốc tế mang nhiều ý nghĩa. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, ý chí và tinh thần Việt Nam của họ ở Bentiu đã ghi lại những dấu ấn khó quên trong lòng bạn bè quốc tế. Đó cũng chính là những dấu ấn đẹp đẽ mà các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam đã lưu lại đất nước Nam Sudan và trong lòng người dân nơi đây.