Việt Nam ghi danh trong Chỉ số quyền lực châu Á, vai trò gia tăng trong khu vực

Chỉ số Quyền lực Châu Á 2024 cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam ngày càng gia tăng trong khu vực nhờ một loạt nỗ lực tích cực trong ngoại giao, kinh tế và quốc phòng.

Trong nhiều năm qua, hàng năm Viện nghiên cứu Lowy có trụ sở tại thành phố Sydney, Australia đều công bố chỉ số quyền lực Châu Á. Trong đánh giá đưa ra vào năm nay, Lowy nhận định, ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực đang gia tăng. Đâu là những yếu tố làm nên điều này? Phóng viên VOV thường trú tại Australia đã gặp gỡ tác giả của báo cáo và chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam để tìm câu trả lời.

Việt Nam được xếp đứng thứ 12 trong bảng Chỉ số quyền lực Châu Á 2024

Việt Nam được xếp đứng thứ 12 trong bảng Chỉ số quyền lực Châu Á 2024

Trong đánh giá Chỉ số quyền lực Châu Á năm 2024, Việt Nam được xếp đứng thứ 12, giống như vị trí của năm 2023. Tuy vậy, điểm dành cho Việt Nam đã tăng 1,2 điểm. Không chỉ riêng năm nay, trong sáu năm gần đây, Chỉ số quyền lực Châu Á đều đánh giá cao Việt Nam và vị trí của Việt Nam được cải thiện trong bảng đánh giá này và vượt lên trên New Zealand từ một số năm trước.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Australia, bà Savannah Patton, một trong những tác giả của báo cáo cho biết, một trong những nhân tố khiến cho mức độ ảnh hưởng của Việt Nam gia tăng trong khu vực gia tăng trong những năm gần đây là chỉ số về mức độ ảnh hưởng ngoại giao, được xếp thứ 8 trong khu vực.

“Ảnh hưởng ngoại giao là một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Tôi cho rằng đây là kết quả của chính sách ngoại giao chủ động trong đó Việt Nam mở rộng mạng lưới quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ vậy, trong năm ngoái, Việt Nam là quốc gia duy nhất cùng đón Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tới thăm. Tôi cho rằng đây là kết quả rõ ràng của chính sách ngoại giao rộng mở và chủ động của Việt Nam” - bà Savannah Patton cho hay.

Việt Nam được xếp thứ 8 trong chỉ số ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực.

Việt Nam được xếp thứ 8 trong chỉ số ảnh hưởng ngoại giao trong khu vực.

Việc gia tăng ảnh hưởng ngoại giao của Việt Nam được đánh giá dựa trên mạng lưới 194 quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao, việc Việt Nam ký các thỏa thuận song phương, tham gia vào các tổ chức đa phương, tham gia vào các thỏa thuận quốc tế. Đáng chú ý, chính sách ngoại giao đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam cũng được đánh giá cao khi cùng lúc duy trì quan hệ tốt với các đối tác khác nhau từ Mỹ tới Trung Quốc, các quốc gia láng giềng ASEAN hay các quốc gia tầm trung như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà Savannah Patton khẳng định, dường như không có quốc gia quan trọng nào mà Việt Nam không có quan hệ tốt vì thế không có gì là ngạc nhiên khi Việt Nam có ảnh hưởng ngoại giao rộng lớn trong khu vực.

Ngoài tiêu chí về ảnh hưởng ngoại giao, vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng được củng cố bằng mối quan hệ kinh tế và năng lực kinh tế. Bà Savannah Patton nhận định, Việt Nam có chính sách ngoại giao kinh tế chủ động, tham gia vào nhiều thỏa thuận quốc tế như CPTPP, RCEP và ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Không chỉ vậy, Việt Nam còn đang trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tiến sỹ Susannah Patton

“Việt Nam đang rất thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và các công ty Mỹ đang tìm kiếm các đối tác khác ngoài Trung Quốc, Việt Nam là một sự lựa chọn. Thực tế này đã làm Việt Nam tăng điểm trong lĩnh vực quan hệ kinh tế đồng thời đưa Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu. Và điều này được thể hiện rất rõ trong các số liệu của chúng tôi”- Bà Savannah Patton nói.

Năng lực kinh tế của Việt Nam được đánh giá dựa trên quy mô của nền kinh tế, cũng như đóng góp của các đòn bẩy quốc tế vào nền kinh tế đất nước. Các yếu tố này cùng với mối quan hệ kinh tế và xu hướng đầu tư toàn cầu đổ về Việt Nam đang mang lại thành công về mặt kinh tế cho Việt Nam, giúp Việt Nam tăng điểm trong lĩnh vực này.

Bà Savannah Patton cũng cho biết, một trong những lĩnh vực phát triển ấn tượng của Việt Nam trong năm qua đó là mạng lưới quốc phòng, đưa Việt Nam đứng thứ 16 trong lĩnh vực này. Theo bà Savannah Patton, trên khía cạnh mạng lưới quốc phòng-là mối quan hệ của lực lượng quốc phòng Việt Nam với lực lượng các nước trong khu vực, Việt Nam đã có những tiến triển mới: “Việt Nam không tham gia liên minh, liên kết quốc phòng với các quốc gia khác song Việt Nam ngày càng chủ động mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực. Mặc dù trong chỉ số của chúng tôi không đề cập đến yếu tố này song năm nay Việt Nam lần đầu tiên cử tàu hải quân tham gia cuộc Diễn tập Kakadu tại Australia. Tôi cho rằng điều này thể hiện việc Việt Nam chủ động mở rộng mạng lưới quốc phòng hơn giai đoạn trước. Vì vậy mà đánh giá của chúng tôi dành cho lĩnh vực mạng lưới quốc phòng của Việt Nam tăng cao trong năm qua cũng như trong các lĩnh vực khác”.

Tiến sỹ Lê Thu Hường, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của AVPI

Tiến sỹ Lê Thu Hường, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của AVPI

Chỉ số Quyền lực Châu Á 2024 cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam ngày càng gia tăng trong khu vực nhờ một loạt nỗ lực tích cực trong ngoại giao, kinh tế và quốc phòng.

Bà Lê Thu Hường, Chủ tịch Ban Cố vấn Viện Australia-Việt Nam nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh khu vực đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực, việc Việt Nam giữ được vị trí trong Chỉ số quyền lực Châu Á là tín hiệu tốt, cho thấy nỗ lực liên tục của Việt Nam trong nhiều năm qua:

“Tôi cho rằng Việt Nam đã nỗ lực liên tục trong nhiều năm qua. Một trong những lĩnh vực phát triển nhất giúp Việt Nam ghi thêm điểm đó là nguồn lực ngoại giao, nỗ lực ngoại giao được thể hiện qua việc Việt Nam tích cực gắn kết với các yếu tố nước ngoài, với các đối tác quốc tế. Tôi cho rằng đây là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Trong môi trường khu vực có nhiều cạnh tranh, việc Việt Nam vẫn giữ được được vị trí như năm ngoái là một tín hiệu tốt. Việt Nam được nhìn nhận là một quốc gia tầm trung và vị thế này được Việt Nam từng bước tạo dựng và đang ngày càng được khẳng định”.

Chỉ số quyền lực Châu Á là được Viện Lowy xây dựng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của một quốc gia trong khu vực dựa trên việc đánh giá nhiều yếu tố. Trong những năm gần đây, vị trí của Việt Nam được cải thiện và gần đây là giữ được vị trí thứ 12 cho thấy các nỗ lực của Việt Nam trong nhiều mặt đã tạo ra sự thay đổi và điều này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bà Savannah Patton nhận định, khác với một số quốc gia trong khu vực, đường lối chính sách và mục tiêu của Việt Nam rõ ràng và cộng đồng quốc tế đều nhìn thấy Việt Nam đang nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình. Bà Savannah Patton cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện các quy định về đầu tư nước ngoài, loại bỏ bớt các rào cản trong việc cấp giấy phép đầu tư thì sẽ làm tăng thêm sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và gia tăng tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-ghi-danh-trong-chi-so-quyen-luc-chau-a-vai-tro-gia-tang-trong-khu-vuc-post1145805.vov