Việt Nam gia nhập các quốc gia có dân số trên 100 triệu người: Cơ hội nào cho các quốc gia đông dân?

Theo LHQ, dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Top 14 quốc gia đông dân nhất (trên 100 triệu dân) hiện nay gồm những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Brazil, Nga và Nhật Bản.

Với sự kiện dân số Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người trong tháng 4 năm nay, hãy cùng tìm hiểu xem những quốc gia nào hiện đang có quy mô dân số trên 100 triệu người, cũng như tầm quan trọng của các quốc gia này trên thế giới ra sao?

Những quốc gia nào có quy mô dân số trên 100 triệu người?

Hiện nay, dân số thế giới đã vượt ngưỡng 8 tỷ người. Theo dự báo của Liên hợp quốc (LHQ), Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong tháng 4 năm 2023.

Hai quốc gia có dân số lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai nước này đều có quy mô dân số trên 1,4 tỷ người. Chỉ riêng dân số của hai quốc gia này đã chiếm 1/3 dân số thế giới.

Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới (quy mô dân số trên 100 triệu người) quy tụ một số nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới

Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới (quy mô dân số trên 100 triệu người) quy tụ một số nền kinh tế lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới

Ngoài hai quốc gia tỷ dân là Trung Quốc và Ấn Độ, 12 quốc gia hiện nay có quy mô dân số trên 100 triệu dân bao gồm Mỹ (gần 340 triệu), Indonesia (277 triệu), Pakistan (trên 239 triệu), Nigeria (trên 222 triệu), Brazil (trên 216 triệu), Bangladesh (trên 172 triệu), Nga (trên 144 triệu), Mexico (trên 128 triệu), Ethiopia (trên 125 triệu), Nhật Bản (trên 123 triệu), Philippines (trên 116,9 triệu), Ai Cập (trên 112 triệu).

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số Việt Nam sẽ sớm đạt 100 triệu người và dấu mốc này sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Dự kiến, sự kiện quan trọng này sẽ diễn ra trong tháng 4 năm nay.

Như vậy, 15 quốc gia có quy mô dân số trên 100 triệu dân trải dài trên nhiều châu lục (châu Âu (Nga), châu Á, châu Mỹ, châu Phi), trong đó nhiều quốc gia ở những vị trí đắc địa và có tầm ảnh hưởng về kinh tế, an ninh, chính trị trên thế giới.

Tầm ảnh hưởng của những nền kinh tế lớn nhất thế giới

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ và Trung Quốc (hai quốc gia chiếm 35% dân số thế giới) dự kiến sẽ đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay.

Mỹ là quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới với dân số gần 340 triệu người và là nền kinh tế lớn nhất thế giới (ước tính GDP của Mỹ chiếm 1/4 kinh tế thế giới trong giai đoạn 2019-2020).

Sau khi Ấn Độ soán ngôi trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc hiện nay là quốc gia đông dân thứ 2 đồng thời là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

IMF ước tính GDP của Mỹ là 25 nghìn tỷ USD, GDP Trung Quốc là 18,3 nghìn tỷ USD và GDP Ấn Độ là 3,5 nghìn tỷ USD.

Mỹ và Nhật Bản (quốc gia đông dân thứ 12 thế giới) là thành viên của nhóm 7 cường quốc công nghiệp phát triển G7.

Nhật Bản với dân số trên 123 triệu người là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (và nền kinh tế lớn thứ 2 trong số các nước G7).

Dự báo, GDP của Nhật Bản trong năm tài khóa 2023 sẽ khoảng 571,9 nghìn tỷ Yen (tương đương gần 4,3 nghìn tỷ USD) - cao nhất từ trước đến nay.

Năm nay, Ấn Độ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của diễn đàn G20 quy tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt Anh quốc về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.

Trong số các nước G20, những quốc gia hơn 100 triệu dân bao gồm Ấn Độ, Brazil, Mỹ, Indonesia, Mexico, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc. Có thể thấy, 8 quốc gia trong Top 15 nước đông dân nhất thế giới đều là thành viên của các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng là thành viên của Bộ Tứ Kim Cương (gồm Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản).

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là 4 nền kinh tế lớn mới nổi (BRIC) dự kiến sẽ thống trị nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Cả 4 nước BRIC này đều nằm trong top 10 quốc gia đông dân nhất. Điều này cho thấy quy mô dân số quan trọng thế nào đối với mở rộng nền kinh tế.

Mỹ, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Nga và Mexico đều là thành viên APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương). 8 quốc gia APEC này ngoài nằm trong top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới còn có nền kinh tế phát triển rất năng động và đóng vai trò tích cực trên các diễn đàn thế giới.

Đáng lưu ý, khu vực ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) có 3 quốc gia là Indonesia (277 triệu dân, đông dân thứ 4 thế giới), Philippines (gần 117 triệu dân, thứ 13) và Việt Nam nằm trong top 15 nước đông dân nhất thế giới với quy mô dân số trên 100 triệu người.

Đông Nam Á là khu vực với dân số 600 triệu người, GDP hơn 2,5 nghìn tỷ USD, các nền kinh tế ở đây đã tạo ra một trong những khu vực trẻ và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Là thành viên APEC, ASEM (Diễn đàn hợp tác kinh tế Á-Âu),... Việt Nam ngày càng đóng vai trò chủ động và tích cực hơn trên các diễn đàn thế giới. Việt Nam đã từng là chủ nhà APEC, ASEM, WHO Tây Thái Bình Dương và giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Có thể thấy, Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới với quy mô trên 100 triệu dân gộp lại lên tới trên 5 tỷ người (chiếm hơn 60% dân số thế giới) và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Trong đó các nền kinh tế lớn nhất, nhì, ba thế giới đều thuộc top 15 quốc gia này. Chưa kể nhiều nước trong Top 15 này còn đóng vai trò quan trọng ở Liên hợp quốc và nhiều diễn đàn thế giới khác.

Hai thái cực: Dân số trẻ và già hóa dân số - Cơ hội và Thách thức

Trong Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới, hai thái cực đối lập đang diễn ra đó là già hóa dân số ở một số nước có nền kinh tế lớn và dân số trẻ ở một số nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển.

Nhật Bản là đất nước có tuổi thọ trung bình cao thứ 4 trên thế giới và cao nhất trong Top 15 quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản là 81,6 tuổi vào năm 2020 (theo dữ liệu của World Data).

Tuổi thọ của Nhật Bản chỉ đứng sau Hong Kong (Trung Quốc), Macao (Trung Quốc) và Iceland. Cư dân tại Hong Kong (Trung Quốc) có tuổi thọ lên tới 82,9 tuổi và Macao (Trung Quốc) có tuổi thọ trung bình tận 82,6 tuổi. Iceland chỉ nhỉnh hơn Nhật Bản một chút với tuổi thọ trung bình 81,7 tuổi.

Tuổi thọ bình quân của Trung Quốc là khoảng 78 tuổi, Mỹ (76,1 tuổi), Nga (72,76 tuổi), Brazil (76,6 tuổi vào năm 2019). Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,6.

Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và dân số giảm. Tình trạng già hóa dân số gây ra khó khăn cho quỹ hưu trí và thiếu hụt lực lượng lao động.

Hiện nay, người cao tuổi chiếm 1/5 dân số Trung Quốc, còn dân số Nhật Bản đã liên tục giảm trong suốt 1 thập kỷ qua.

Vào tháng 1 năm nay, Trung Quốc công bố đợt giảm dân số đầu tiên sau 60 năm, do tỷ lệ sinh giảm lịch sử và xã hội già hóa nhanh chóng. Trung Quốc ước tính dân số nước này giảm 850.000 người vào năm 2022 xuống còn 1,4 tỷ người. Các nhà nhân khẩu học tin rằng xu hướng này có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của gã khổng lồ châu Á, vốn cũng đang chậm lại.

Đến năm 2050, dân số Trung Quốc sẽ giảm gần 100 triệu người, theo dự báo của Liên hợp quốc do Trung tâm nghiên cứu Pew trích dẫn. Đến năm 2100, dân số nước này sẽ dưới 800 triệu người.

Ở Mỹ, tỷ lệ tăng dân số cũng giảm trong những thập kỷ qua. Hiện tại, trung bình một người phụ nữ ở Mỹ sinh 1,64 con. Tỷ lệ tăng dân số ở Mỹ giảm từ 0,83% trong năm 2009-2010 xuống còn 0,46% trong năm 2018-2019.

Còn tại Ấn Độ, nhờ lực lượng lao động trẻ tiềm năng, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, những bài toán về an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, giáo dục, y tế,.. là những thách thức đi kèm.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng

Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 - 24.

UNFPA cho hay, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa. Thách thức đặt ra là khi cả tỷ lệ tử vong và mức sinh đều giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình quá độ dân số.

Mọi người dân Việt Nam ngày nay được sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỷ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân.

Nền kinh tế của Ấn Độ đã tăng trưởng đều đặn trong nhiều thập kỷ qua. Trong cuốn sách bán chạy "Con đường Tơ lụa: Lịch sử mới của Thế giới" (The Silk Roads: A New History of the World), tác giả Peter Frankopan nhận định tầng lớp trung lưu ở Ấn Độ đã lớn mạnh một cách phi thường. Các hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 10.000 USD đã tăng từ 2 triệu hộ vào năm 1990 lên 50 triệu hộ dân vào năm 2014.

Hiện tại, 40% dân số Ấn Độ dưới 25 tuổi và trên toàn cầu, cứ 5 người dưới 25 tuổi thì có một người là người Ấn Độ.

Độ tuổi trung bình của Ấn Độ là 28 trái ngược với 38 ở Mỹ và 39 ở Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất khác, cũng có tỷ lệ già hóa cao hơn.

Ở Ấn Độ, những người trên 65 tuổi chiếm 7% dân số, so với 14% ở Trung Quốc và 18% ở Mỹ. Con số này sẽ vẫn dưới 20% ở Ấn Độ cho đến năm 2063 và sẽ không đạt 30% cho đến năm 2100.

Tỷ lệ sinh của Ấn Độ đã giảm đều đặn (từ 5,9 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 2 ca sinh hiện nay) và dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, một số quốc gia trên 100 triệu dân được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) coi là các nước đang phát triển (nghĩa là chưa đạt được mức độ công nghiệp hóa cao so với dân số, đồng thời mức sống người dân thường từ trung bình đến thấp), bao gồm Nigeria (hơn 190 triệu người), Bangladesh (gần 165 triệu) và Mexico (khoảng 129 triệu).

Như vậy quy mô dân số tăng ngoài là cơ hội phát triển đối với các nền kinh tế lớn thì ở một số nước đang phát triển ở châu Phi, Nam Á và châu Mỹ Latin lại đặt ra các bài toán về vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục,...

Những chính sách mới về Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023 người dân cần biết

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-gia-nhap-cac-quoc-gia-co-dan-so-tren-100-trieu-nguoi-co-hoi-nao-cho-cac-quoc-gia-dong-dan-169230412153605373.htm