Việt Nam-Hà Lan là hình mẫu của quan hệ song phương

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan (9/4/1973-9/4/2023), Tạp chí Diplomat đã có bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh vào ngày 12/4.

Bài phỏng vấn Đại sứ Phạm Việt Anh trên Tạp chí Diplomat của Hà Lan. (Ảnh chụp màn hình)

Bài phỏng vấn Đại sứ Phạm Việt Anh trên Tạp chí Diplomat của Hà Lan. (Ảnh chụp màn hình)

Đánh giá về mối quan hệ Việt Nam-Hà Lan trong nửa thế kỷ qua, Đại sứ Phạm Việt Anh khẳng định hai nước đã đạt được những dấu mốc và thành tựu quan trọng.

Quan hệ cởi mở, hiệu quả và chân thành

Theo Đại sứ Phạm Việt Anh, người Việt Nam luôn xem mối quan hệ với Hà Lan là hình mẫu cho quan hệ song phương bởi tính chất cởi mở, hiệu quả và chân thành. Những thành tựu tốt đẹp trong các lĩnh vực hợp tác song phương đã được thể hiện bằng các con số và số liệu thống kê.

Trước hết, quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã chuyển sang một giai đoạn quan trọng mới, từ quan hệ “cho và nhận” sang quan hệ bình đẳng và cùng có lợi. Trong quá khứ, khi Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chiến tranh và hậu quả của chiến tranh, Hà Lan đã giúp đỡ Việt Nam rất chân thành. Khi Việt Nam vươn lên là nước đang phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.

Thứ hai, quan hệ Việt Nam-Hà Lan đã không ngừng phát triển và có những bước tiến mới. Hai bên có cơ hội hợp tác lớn, xuất phát từ sự tương đồng về ứng phó với biến đổi khí hậu và các thách thức thiên nhiên. Từ đó, hai nước trở thành Đối tác chiến lược trong các lĩnh vực như thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực. Tháng 4/2019, khi Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thăm chính thức Việt Nam, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện.

Thứ ba, hợp tác giữa hai nước không chỉ gói gọn trong khuôn khổ song phương mà còn được mở rộng để đáp ứng nhu cầu giải quyết các thách thức toàn cầu và mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Cuối năm 2022, nhân chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, hai bên đã thống nhất tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng để cùng góp phần thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ.

Đại sứ Phạm Việt Anh cho rằng, hợp tác chặt chẽ với Hà Lan sẽ cho phép Việt Nam trao đổi và hưởng lợi từ kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn của Hà Lan, đặc biệt là trong việc tìm kiếm các giải pháp thông minh và sáng tạo. Chẳng hạn, trong chuyến thăm chính thức Hà Lan mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất ấn tượng với mô hình mạng lưới cơ sở hạ tầng của Hà Lan như sân bay Schiphol Amsterdam, cảng biển Rotterdam, Brainport Eindhoven, Greenport World Horti Center. Và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tỏ rõ quyết tâm xây dựng một Brainport tại Việt Nam.

Theo Đại sứ Phạm Việt Anh, chính những thay đổi về hợp tác trong nhận thức mới tác động thực sự đến cách nghĩ, cách làm, dần dần mang lại những phát triển tích cực cho kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hội đàm ngày 13/12/2022 tại thành phố Den Haag, Hà Lan. (Nguồn: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hội đàm ngày 13/12/2022 tại thành phố Den Haag, Hà Lan. (Nguồn: TTXVN)

Tăng cường lòng tin trước các thách thức chung

Nhận định về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Đại sứ Phạm Việt Anh nhấn mạnh rằng quan hệ Việt Nam-Hà Lan có nền tảng vững chắc không chỉ từ 50 năm quan hệ ngoại giao mà còn từ quan hệ giao thương lâu dài bắt nguồn từ 400 năm trước.

Cách đây nhiều năm, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã đến Việt Nam vì sự hấp dẫn của văn hóa và sản phẩm Việt Nam cũng như của khu vực Đông Nam Á. Ngày nay, nhu cầu hợp tác vẫn là động lực to lớn để tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, mặc dù quan hệ song phương đã được nâng cấp lên Đối tác toàn diện, nhưng vẫn còn dư địa để tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa. Cả Việt Nam và Hà Lan đều phải đối mặt với những thách thức chung trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tác động của biến đổi khí hậu, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn và áp lực ngày càng tăng đối với các hệ thống sản xuất lương thực.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, chuyển đổi năng lượng, quy hoạch và phát triển hệ thống logistic, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… là một trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng mà hai nước có thể tăng cường hợp tác trong những năm tới.

Để duy trì đà phát triển tích cực trong tương lai, Đại sứ Phạm Việt Anh chỉ ra rằng trước hết, chính sự tin tưởng lẫn nhau là nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương phát triển.

"Chỉ có sự tin tưởng thì chúng ta mới có thể chân thành và hết lòng vì sự hợp tác thực chất và hiệu quả. Hà Lan và Việt Nam cần tăng cường trao đổi, tham vấn các cấp nhằm tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, từ đó thúc đẩy quan hệ song phương phát triển hiệu quả và lành mạnh", Đại sứ Phạm Việt Anh nhấn mạnh.

Mặt khác, để tăng cường lòng tin, Đại sứ Phạm Việt Anh nhấn mạnh hai nước phải củng cố quan hệ đi vào chiều sâu hiệu quả. Hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu sẽ tạo ra những kết quả cụ thể, đóng góp hiệu quả vào công cuộc phát triển của mỗi quốc gia. Đó sẽ là cơ sở làm tăng độ tin cậy lẫn nhau, tạo lợi ích đan xen, hài hòa, hướng tới mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi. Hiệu quả hợp tác và lòng tin có mối quan hệ biện chứng và thúc đẩy lẫn nhau.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-ha-lan-la-hinh-mau-cua-quan-he-song-phuong-223869.html