Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quốc tế về các chiến lược giảm nghèo và trao quyền cho phụ nữ

Theo Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam có thể giảm nghèo hiệu quả hơn bằng cách chuyển đổi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo sang các chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên, trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng dữ liệu dân số chính xác phục vụ cho việc lập và triển khai chính sách giảm nghèo.

Hướng tới hệ thống bảo trợ xã hội toàn dân và trao quyền cho phụ nữ

Theo UNDP, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (NTP) thường có mục tiêu, thời gian và ngân sách nhất định. Chúng giúp giải quyết tình trạng nghèo cùng cực trong một khoảng thời gian cụ thể nhưng chưa được lồng ghép vào hệ thống chính sách thường xuyên.

Do đó, là một quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ cần dựa vào một hệ thống chính sách bảo trợ xã hội toàn dân để hỗ trợ đa dạng các đối tượng khó khăn, ở các độ tuổi khác nhau và cả các giai đoạn khác trong cuộc sống. Các chương trình này sẽ đối phó với tình trạng dễ bị tổn thương của người dân trong suốt vòng đời và phá vỡ các vòng xoáy nghèo đói giữa các thế hệ.

Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam cũng đã thực hiện những bước đi quan trọng nhằm đặt nền móng cho việc mở rộng diện bao phủ của bảo trợ xã hội, hướng đến hỗ trợ người dân trong suốt vòng đời. Mục tiêu này đã được thể hiện trong Kế hoạch tổng thể về Cải cách và Phát triển Trợ giúp Xã hội (MPSARD), Kế hoạch Tổng thể về Cải cách Bảo hiểm Xã hội (MPSIR) cùng các kế hoạch hành động tương ứng nhằm triển khai hệ thống bảo trợ xã hội theo cách tiếp cận người dân trong suốt vòng đời.

Phụ nữ cần được quan tâm hơn trong các nỗ lực giảm nghèo. Ảnh: VNA.

Phụ nữ cần được quan tâm hơn trong các nỗ lực giảm nghèo. Ảnh: VNA.

Một chính sách chiến lược nữa là trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới để xóa đói giảm nghèo. Cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em gái là chính sách chống đói nghèo hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay. Ở hầu hết các nước đang phát triển, phụ nữ đóng vai trò lớn trong việc sản xuất lương thực, bảo vệ môi trường cũng như trong việc giáo dục trẻ em và nuôi dưỡng gia đình. Họ chiếm 1/4 lực lượng lao động trong ngành công nghiệp và 1/3 trong ngành dịch vụ.

Trong nhiều năm, vai trò của phụ nữ bị chính phủ và các tổ chức phát triển coi nhẹ. Những tiến bộ trên toàn thế giới về phát triển kinh tế và xã hội trong ba thập kỷ qua đã không mang lại những lợi ích tương xứng cho phụ nữ. Do đó, việc đầu tư nhiều hơn vào phụ nữ hiện nay là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo hiệu quả hơn.

Ở Bangladesh, Brazil và Nam Phi, việc hỗ trợ tiền mặt cho phụ nữ có tác động tích cực đến giáo dục, đặc biệt là đối với các bé gái. Theo UNICEF, việc tăng nguồn lực cho phụ nữ sẽ làm tăng tỷ lệ sống sót của trẻ em, tình trạng dinh dưỡng và tỷ lệ đi học của trẻ. Trong các hộ gia đình mà phụ nữ là người ra quyết định chính, tỷ lệ nguồn lực dành cho trẻ em lớn hơn nhiều so với những hộ gia đình nam giới là người ra quyết định chủ chốt. Do đó, việc phụ nữ kiểm soát tài chính ở hộ gia đình là rất quan trọng trong việc đảm bảo thu nhập, giảm nghèo và duy trì sự sống còn của trẻ em.

UNDP Việt Nam cũng đã thử nghiệm và nhân rộng sáng kiến 4M (gặp gỡ-tìm những điểm thích hợp -tư vấn-hành động) – đã trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) làm chủ hợp tác xã tại các tỉnh Bắc Kạn, Đăk Nông, Lào Cai và Sơn La trong năm 2019-2022. Kết quả là 169 hợp tác xã do phụ nữ DTTS làm chủ tại 04 tỉnh, trong đó có sự tham gia của 15.442 người DTTS (78% là phụ nữ DTTS) đã duy trì và thúc đẩy được sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Báo cáo giám sát cập nhật đến cuối năm 2022 cho thấy 93% hợp tác xã DTTS do phụ nữ làm chủ được UNDP hỗ trợ (2019 – 2022) vẫn đang hoạt động và duy trì mức tăng trưởng doanh thu trên 20%/năm.

Xây dựng hệ thống dữ liệu và bắt kịp đà số hóa trong quản lý

Thêm vào đó, việc xây dựng được bộ dữ liệu chính xác về dân số cũng là chìa khóa cho việc phát triển và thực hiện chính sách giảm nghèo. Một vấn đề phổ biến trong quá trình phát triển hệ thống bảo trợ xã hội là thiếu dữ liệu toàn diện và chi tiết. Tình trạng này khiến việc lên kế hoạch, điều chỉnh và đánh giá các chương trình tạo phúc lợi cho người dân gặp khó khăn. Ví dụ, việc phải tự chi trả chi phí y tế khi mắc bệnh là một nguyên nhân khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo. Tuy nhiên, việc thiếu thông tin đầy đủ về mối liên hệ giữa các chi phí này và thu nhập hộ gia đình đã gây khó khăn cho các chính sách hỗ trợ.

Hiện tại, Việt Nam chủ yếu dựa vào hai loại dữ liệu để đo lường mức nghèo ở nông thôn: (i) dữ liệu hành chính do địa phương thu thập; và (ii) Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS).

Dữ liệu hành chính không được thu thập một cách nhất quán giữa các địa phương nên khó mang tính đại diện cho cả quốc gia. Còn VHLSS được tiến hành hai năm một lần và dựa trên mẫu ngẫu nhiên. Các mẫu này cũng thường có quy mô nhỏ nên thường chỉ mang tính đại diện ở cấp khu vực.

Trong bối cảnh việc số hóa quản lý dân cư đã cải thiện hiệu quả và hiệu suất của các hệ thống bảo trợ xã hội ở nhiều quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp xu thế này.

Một biện pháp quan trọng nữa là chính thức hóa công ăn việc làm. Theo UNDP, số việc làm phi chính thức ở Việt Nam mặc dù đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua nhưng vẫn chiếm gần 70% tổng số việc làm vào năm 2019. Lực lượng lao động phi chính thức bao gồm những người lao động tự làm chủ, lao động gia đình, một số người làm công ăn lương cho các doanh nghiệp nhưng không được đăng ký chính thức với cơ quan quản lý.

Trong khi lao động phi chính thức không được tiếp cận với hệ thống an sinh xã hội thì việc chính thức hóa quan hệ lao động là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn đạt được một hệ thống bảo trợ xã hội toàn dân giúp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trong suốt vòng đời của các hộ gia đình.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/viet-nam-hoc-hoi-kinh-nghiem-quoc-te-ve-cac-chien-luoc-giam-ngheo-va-trao-quyen-cho-phu-nu-20230908165731601.htm