Việt Nam-Hungary: Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại là trụ cột quan trọng

Chiều 19/1, tại Budapest, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary.

Kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt trên 1,2 tỷ USD

Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để hai bên cùng nhau chia sẻ, mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác, phát triển giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Cùng dự Diễn đàn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội và đông đảo các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam-Hungary.

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và Hungary; nghe giới thiệu về khả năng và kế hoạch đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp hai nước.

Đặc biệt, Diễn đàn dành thời gian để các doanh nghiệp đặt các câu hỏi và được lãnh đạo các bộ, ngành hai bên giải đáp các vấn đề quan tâm như: Chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước; các lĩnh vực ưu tiên; cơ chế chính sách; thủ tục, hạ tầng, nguồn nhân lực… Cùng với đó, doanh nghiệp hai bên cùng trao đổi, kết nối để hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo thông tin từ diễn đàn, qua hơn 70 năm vun đắp và xây dựng, quan hệ Việt Nam-Hungary đã đạt được những bước tiến triển tích cực, đặc biệt, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2018). Đến nay, Hungary là Đối tác toàn diện duy nhất của Việt Nam tại Trung-Đông Âu. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau cùng phát triển.

Hungary là một trong những nước đi đầu về công nghiệp điện tử, dược phẩm, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất linh kiện ô tô…. Việt Nam đang tiếp tục là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài với nhiều tiềm năng phát triển những lĩnh vực nêu trên, đồng thời đã được xác định là một mắt xích quan trọng trong chính sách "hướng đông" của Hungary.

Về đầu tư, với hơn 21 dự án và hơn 72,26 triệu USD vốn đăng ký, Hungary xếp thứ 52/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam, đa số trong lĩnh vực chế biến, chế tạo. Chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Hungary 02 dự án với tổng vốn đầu tư là 5,8 triệu USD.

Về thương mại, với lợi thế của EVFTA, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc. Trong năm 2022, thương mại song phương giữa hai nước đạt trên 1,2 tỷ USD, gấp 1,63 lần năm 2019.

Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại là trụ cột quan trọng

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ tốt đẹp hơn 70 năm qua là nền tảng thuận lợi cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Trong chuyến thăm lần này hai bên đã cùng nhau thống nhất về định hướng, các biện pháp chủ yếu thúc đẩy hợp tác giữa hai nước; trong đó hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại là trụ cột quan trọng, quyết tâm nâng kim ngạch thương mại song phương và khuyến khích đầu tư sâu hơn, rộng hơn, mạnh hơn nữa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hungary - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thông tin tới diễn đàn về quá trình giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là đường lối phát triển đất nước, đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc…, Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đến nay đã thuộc top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên gần 4.300 USD năm 2023; nằm top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút FDI. Đến nay, Việt Nam đã ký 16 FTA với sự tham gia của hơn 60 nước.

Năm 2023, tình hình thế giới, khu vực có nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam huy động mọi nguồn lực xã hội, phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Hiện nay Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: Đột phá về hoàn thiện thể chế pháp luật; đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính. Qua đó giảm chi phí đầu vào của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ổn định, lâu dài, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang làm mới các động lực cũ là "xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư" và bổ sung các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Việt Nam luôn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp".

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hungary tìm hiểu cơ hội, mở rộng hợp tác, đầu tư với Việt Nam, vì lợi ích của chính mỗi doanh nghiệp, vì phát triển của mỗi nước, vì quan hệ Việt Nam-Hungary và vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Hungary cho biết, Việt Nam có nền kinh tế rất đa dạng và Hungary cũng nằm trong nhóm những nước hàng đầu thế giới về độ đa dạng kinh tế. Đồng thời khẳng định Hungary có năng lực mạnh về nghiên cứu và sản xuất. Nhiều sản phẩm mà thế giới đang dùng được phát minh bởi người Hungary như máy pha cà phê, bút bi, máy tính hay khối rubik…

Thủ tướng Viktor Orbán phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Viktor Orbán phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Viktor Orbán khẳng định với vai trò, vị trí của mình trong EU, Hungary tiếp tục thúc đẩy để các nước còn lại sớm phê chuẩn EVIPA, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt nhiều hơn trên thị trường EU.

Thủ tướng Hungary mong muốn đẩy mạnh thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn, đề nghị phía Việt Nam thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh sang đầu tư tại Hungary.

"Việt Nam tăng trưởng rất nhanh và chúng tôi mong muốn đầu tư từ Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam", Thủ tướng Viktor Orbán nói và khẳng định, Hungary sẽ tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, thúc đẩy hợp tác, đầu tư.

Ông cũng cho rằng có một trở ngại lớn về khoảng cách địa lý giữa hai nước, song có giải pháp cho điều này thông qua việc mở các đường bay thẳng, đồng thời đẩy mạnh giao lưu nhân dân, đặc biệt là các sinh viên nước này đang học ở nước kia. Hiện có khoảng 900 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hungary theo diện học bổng Chính phủ.

Tham gia đoàn công tác thăm Hungary của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-hungary-hop-tac-kinh-te-dau-tu-thuong-mai-la-tru-cot-quan-trong-299131.html