Việt Nam, Indonesia dẫn đầu khu vực ASEAN về nền kinh tế số
Các nền kinh tế thành viên ASEAN cần hợp tác với nhau và coi nền kinh tế kỹ thuật số là trung tâm của chiến lược phục hồi kinh tế khu vực sau COVID-19.
Theo bài viết đăng tải trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của tác giả Jeff Paine – Giám đốc điều hành Liên minh Internet châu Á số ra ngày 15/11, khi tiếp quản vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2021, Brunei sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ lớn lao: Kết nối các thành viên trong khối xử lý những thách thức lớn nhất về kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19. Làm thế nào để phục hồi nền kinh tế khu vực sau COVID-19 phải là nghị sự ưu tiên hàng đầu của khối ASEAN.
Tuy nhiên, điều may mắn ở đây là ASEAN có đủ khả năng để tận dụng tiềm năng nền kinh tế kỹ thuật số nhằm thúc đẩy các nỗ lực phục hồi. Năm 2019, nền kinh tế Internet của Đông Nam Á đạt 100 tỷ USD, tăng gấp ba lần về quy mô so với 4 năm trước đó. Đến năm 2025, nền kinh tế Internet của khu vực dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ USD.
Trong khi các nền kinh tế số của Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines đang tăng trưởng từ 20% đến 30% mỗi năm thì Việt Nam, Indonesia lại là những thị trường dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng vượt quá 40%/năm.
Theo tác giả Jeff Paine, các nước thành viên ASEAN cần phối hợp cùng nhau để triển khai các chính sách thông minh nhằm kích thích nền kinh tế số qua việc thúc đẩy những đổi mới, khuyến khích sự gia nhập và tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời trao quyền cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển và đầu tư.
Các luồng dữ liệu miễn phí xuyên biên giới được cho là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo Viện Toàn cầu McKinsey, trong hơn một thập kỷ, các dòng chảy toàn cầu thuộc tất cả các lĩnh vực đã làm tăng GDP thế giới lên 10%. Giá trị này đã lên tới khoảng 7.800 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.
Tuy nhiên, những hạn chế mà một số chính phủ trong ASEAN đặt ra đối với dòng dữ liệu, điển hình là nội địa hóa dữ liệu, có khả năng cản trở triển vọng tăng trưởng kinh tế chung, ngăn cản đầu tư nước ngoài và hạn chế cơ hội phát triển của các doanh nghiệp trong nước.
Vậy giải pháp ở đây là các chính phủ ASEAN cần các hiệp định thương mại kỹ thuật số để làm khuôn khổ nhằm giải quyết các vấn đề chính sách một cách chặt chẽ và nhất quán. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hiện dẫn đầu các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các vấn đề thuế quốc tế phát sinh từ sự tăng trưởng của nền kinh tế số.
Tuy nhiên, do những tổn thất nặng nề mà COVID-19 gây ra cho các nền kinh tế, một số chính phủ, bao gồm ở Indonesia, nhanh chóng đưa ra các chính sách thuế kỹ thuật số đơn phương, như một cách để đền bù vào nguồn thu của nhà nước. Các biện pháp đơn phương như này được cho là gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích vì nó sẽ tạo ra các rào càn hành chính và các công ty bị đánh thuế hai lần.
Chính việc áp dụng các quy tắc riêng lẻ của mỗi quốc gia cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng và có khả năng khiến quá trình mở rộng thị trường trì hoãn. Vì vậy, Brunei – với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm tới – cần các nền kinh tế thành viên hợp tác cùng nhau và coi nền kinh tế kỹ thuật số là trung tâm của chiến lược phục hồi kinh tế khu vực.