Việt Nam, Indonesia hạn chế rào cản, hướng tới kim ngạch thương mại 10 tỷ USD
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Indonesia Joko Widodo vừa nhất trí phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng, trong đó có việc hạn chế áp dụng các rào cản và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết.
Nội dung trên được hai nhà lãnh đạo thống nhất trong cuộc hội đàm tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo từ ngày 11-12/9 nhân dịp tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của ông Joko Widodo kể từ khi nhậm chức Tổng thống vào năm 2014.
Hai nhà lãnh đạo cho rằng trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang đứng trước những thay đổi sâu sắc, mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen, hai nước cần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược theo hướng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích nhân dân hai nước, hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Cam kết hỗ trợ nhau nắm bắt các cơ hội liên kết kinh tế khu vực
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo cho rằng hai bên vẫn nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể khai thác; nhất trí phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, trong đó có hạn chế áp dụng các rào cản và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết song phương và đa phương.
Indonesia ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc không tiếp tục áp dụng các quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại di động, tivi; ưu tiên cho hàng nông, lâm, thủy hải sản, thép, sản phẩm chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị điện của Việt Nam tiếp cận hơn nữa thị trường Indonesia.
Lãnh đạo hai nước nhất trí triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác hàng hóa nông sản và nghiên cứu lập liên doanh, liên kết trong chế biến - nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ và xuất khẩu đồ gỗ; mở rộng hợp tác du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo, nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng Hà Nội-Jakarta.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác giữa hai nước: Chương trình hành động triển khai Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia giai đoạn 2019-2023; Thông cáo chung về tham gia hợp tác quốc tế tự nguyện về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững.
Tại cuộc gặp gỡ báo chí, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo cam kết hai nước hỗ trợ nhau nắm bắt các cơ hội liên kết kinh tế khu vực nhằm tăng cường hợp tác thương mại song phương và với nội khối ASEAN, đồng thời, tích cực hợp tác, tìm tòi những hướng đi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng của mỗi nước.
Những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Một số địa phương hai nước đã và đang tăng cường quan hệ hợp tác, điển hình là quan hệ đối tác giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Tây Kalimantan; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Padang; thành phố Đà Nẵng và thành phố Somarang.
Tính đến tháng 6/2018, Indonesia tiếp tục đứng thứ 5 trong ASEAN và thứ 30/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 71 dự án trị giá 514 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, khai thác than, ngân hàng, khách sạn, chế biến xuất khẩu gỗ, sản xuất sợi và may mặc.
Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4,6 tỷ USD trong năm 2012 lên 5,6 tỷ USD trong năm 2016, đạt trên 6,5 tỷ USD trong năm 2017 và 7 tháng đầu năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đạt mốc 10 tỷ USD vào năm 2020. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia chủ yếu gồm: gạo, dầu thô, ximăng, linh kiện điện tử, hàng nông sản. Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia các mặt hàng phân bón, xăng dầu, bao bì, thiết bị máy móc, vải sợi, giấy và bánh kẹo.
Một số dự án đầu tư lớn gồm Khu đô thị Nam Thăng Long-Ciputra (2,1 tỷ USD), Liên doanh khách sạn Horizon-Pullman Hà Nội (66 triệu USD). Hiện Việt Nam có 13 dự án đầu tư sang Indonesia với số vốn 54,7 triệu USD trong các lĩnh vực dầu khí và khai khoáng.
Trong năm 2017 đã có 81.000 lượt khách Indonesia đến Việt Nam, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Indonesia trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch vẫn còn nhiều hạn chế và chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của hai quốc gia. Trong thời gian tới sẽ có nhiều người Indonesia biết đến Việt Nam và chọn Việt Nam là điểm đến của mình.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng ở Indonesia và Việt Nam cũng đang có cơ hội thuận lợi nhất tại ASEAN khi mức đầu tư của khu vực tư nhân và nước ngoài tăng mạnh. Indonesia dự kiến sẽ có bước phát triển mạnh trong ngành xây dựng trong những năm tới. Phân khúc khu vực không phải nhà ở sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất nhờ được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường trung lưu ngày càng tăng tại Indonesia. Đây được coi là cơ hội thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác thời gian tới.