Việt Nam-Kazakhstan: Có thể nâng kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD trong năm 2024
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh cho biết, năm 2024, Việt Nam-Kazakhstan có thể nâng kim ngạch thương mại lên 2 tỷ USD.
Trong hơn 30 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp của Việt Nam-Kazakhstan luôn được kế thừa, phát huy và không ngừng đi vào thực chất. Trong đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.
Nhân dịp năm mới Giáp Thìn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã có cuộc chia sẻ với Báo Công Thương về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Kazakhstan trong năm 2024.
Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, xin đại sứ cho biết các đánh giá về kết quả hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Kazakhstan trong năm 2023?
Trước hết, hai nước chúng ta luôn duy trì quan hệ song phương hữu nghị. Đồng thời, chúng tôi cảm nhận được sự đột phá đáng kể trong việc tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp Kazakhstan và Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong 11 tháng cuối năm 2023 đạt 939,6 triệu USD, cao hơn 95,7% so với cùng kỳ năm trước (480,0 triệu USD).
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam cũng là một động lực bổ sung cho sự phát triển quan hệ thương mại song phương. Hiện, Kazakhstan đứng thứ hai về kim ngạch thương mại với Việt Nam trong số các nước thành viên EAEU.
Hiện nay, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam là 500 triệu USD trong các lĩnh vực như thực phẩm, xây dựng, hóa chất, luyện kim và hóa dầu. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai bên vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng vốn có của hai nước. Để tăng cường các thỏa thuận đã đạt được cũng như để phát triển hợp tác hơn nữa, chúng tôi đang tiến hành một số sự kiện và đàm phán song phương.
Trong quá trình thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và Việt Nam chính thức có hiệu lực đã góp phần thúc đẩy hợp tác lĩnh vực này phát triển ra sao, thưa đại sứ?
Chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu tích cực sau khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu với Việt Nam. Đáng kể, khối lượng hàng hóa xuất khẩu hai chiều tăng, đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên đáng kể.
Cụ thể kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực vào tháng 10 năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Kazakhstan đã tăng trưởng rất tích cực, trung bình khoảng 28%/năm trong giai đoạn 2017 - 2021.
Ngoài ra, trong tiến trình thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, các chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia đã góp phần tăng số lượng doanh nhân từ Kazakhstan bay đến để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh và thiết lập các mối quan hệ kinh doanh. Nền tảng quan hệ vững chắc được hình thành trong những năm qua cho phép chúng ta vạch ra những kế hoạch mới cho tương lai.
Năm 2024, đại sứ có thể đưa ra các dự báo về các triển vọng kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước?
Chỉ có những điều tích cực. Năm 2024, chúng ta có thể nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 1,5 lên 2 tỷ USD. Với chuyến thăm Việt Nam gần đây của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan K.K. Tokayev đã tạo động lực cho việc tăng cường quan hệ song phương. Ngoài ra, năm nay chuyến thăm đáp lại của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sang Kazakhstan dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6/2024. Theo đó, những chuyến thăm của lãnh đạo hai nước hứa hẹn sẽ mang tới tác động tích cực đối với sự phát triển quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta, nhất là về hợp tác kinh tế và thương mại.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều, các hoạt động, chương trình trọng tâm nào nào sẽ được đại sứ quán Kazakhstan triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong năm 2024?
Để tăng cường thương mại song phương, dự kiến tới đây sẽ thành lập các doanh nghiệp liên doanh Kazakhstan-Việt Nam bằng cách ký kết các hợp đồng liên quan. Hiện chúng tôi cũng đang tiến hành các bước nhằm thành lập Hội đồng doanh nghiệp Kazakhstan-Việt Nam, đây sẽ là nền tảng tốt cho các cuộc đàm phán cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách là khả năng ký kết bản ghi nhớ hợp tác tương ứng giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Kazakhstan và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đặc biệt, trong cảnh hiện nay, Kazakhstan sẽ tạo điều kiện trung chuyển đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong đó, Kazakhstan có thể làm cầu nối cho hàng hóa Việt Nam tới thị trường các nước CIS, Trung Quốc, châu Âu, Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ.