Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Tại trụ sở Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sĩ), Khóa họp lần thứ 47 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc, với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva.

Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Nazhat Shameem Khan (Fiji), đã chủ trì phiên khai mạc, với sự tham dự và phát biểu của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet.

Đoàn Việt Nam tham dự do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.

Dự kiến sẽ kéo dài bốn tuần (tới hết ngày 15-7), Khóa 47 được tổ chức trong bối cảnh có nhiều chuyển biến tích cực trong tình hình dịch Covid-19 và tỷ lệ tiêm chủng tại Geneva trong vài tháng gần đây.

Trong Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền hằng năm và tình hình ứng phó dịch bệnh Covid-19 của các quốc gia, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet nhấn mạnh, đói nghèo cùng cực, bất bình đẳng và bất công đang tăng lên; không gian dân sự và dân chủ đang bị xói mòn; các nhà lãnh đạo thế giới cần tìm kiếm một con đường rõ ràng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 và hướng đến một tương lai bao trùm, xanh và bền vững.

Bà Michelle Bachelet cũng khẳng định, các quốc gia cần đặt nhân quyền ở vị trí trung tâm, bảo đảm không phân biệt đối xử để các chương trình, kế hoạch phục hồi hậu đại dịch Covid-19 đạt hiệu quả tối ưu.

Bà Bachelet kêu gọi các quốc gia coi vắc xin Covid-19 là tài sản chung và nhấn mạnh bảo đảm phân phối vắc xin Covid-19 công bằng, rộng rãi trên toàn cầu là điều kiện tiên quyết để có thể sớm kiểm soát được đại dịch Covid-19. Bà lưu ý trong ứng phó với đại dịch Covid-19, các quyền dân sự chính trị như quyền tham gia vào các hoạt động công cộng, quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội cần được bảo đảm.

Bên cạnh đó, bà Michelle Bachelet đề nghị các nước tăng cường đầu tư cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội nhằm tiến tới hiện thực hóa các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua việc sử dụng tối đa các nguồn lực sẵn có.

Ngoài ra, Cao ủy Nhân quyền bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền tại một số nước như Afghanistan, Belarus, Chad, Mali, Colombia, Ethiopia, Haiti, Mexico.

Phát biểu tại phiên đối thoại với Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, Trưởng đoàn Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; bày tỏ ủng hộ đối với công việc của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc và các cơ chế nhân quyền Liên hợp quốc, ủng hộ tiến hành đối thoại thực chất, mang tính xây dựng về các vấn đề nhân quyền; đồng thời nhấn mạnh nhân quyền không nên bị chính trị hóa để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền hoặc để chỉ trích các quốc gia.

Đại sứ cũng thông báo trong quá trình ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã nỗ lực ở mức cao nhất để bảo đảm việc thụ hưởng các quyền con người cơ bản của người dân với ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ tổn thương, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh, Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 do chính phủ thành lập và được người dân Việt Nam ủng hộ rộng rãi là một trong những biện pháp mà Việt Nam tiến hành để đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng quốc gia nhằm hướng đến phục hồi bao trùm sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai kêu gọi các nước nỗ lực để đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc xin Covid-19, bảo đảm tiếp cận kịp thời và bình đẳng đối với vắc xin Covid-19 nhằm kiểm soát hiệu quả đại dịch.

Trong khuôn khổ Khóa họp 47 Hội đồng Nhân quyền, một trong các chủ đề trọng tâm của Việt Nam là quyền con người trong biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.

Dự kiến, Việt Nam sẽ tham gia tổ chức Phiên thảo luận chuyên đề về quyền của người cao tuổi trong bối cảnh biến đối khí hậu; đồng thời, Việt Nam sẽ thay mặt Nhóm nòng cốt gồm Bangladesh, Philippines và Việt Nam giới thiệu dự thảo Nghị quyết năm 2021 về BĐKH và quyền con người, tập trung vào các nhóm người dễ bị tổn thương. Đây là Nghị quyết được Việt Nam và Nhóm nòng cốt giới thiệu hằng năm kể từ năm 2014, để Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua với trọng tâm mỗi năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm nòng cốt phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-ngoai/1003517/viet-nam-khang-dinh-chu-truong-nhat-quan-ve-thuc-day-va-bao-ve-quyen-con-nguoi