Việt Nam khẳng định vị thế đối tác tin cậy của Liên hợp quốc

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 21 và 22/10/2022. Đây là chuyến thăm quan trọng của người đứng đầu Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất thế giới - thể hiện thông điệp mạnh mẽ về sự coi trọng của Liên hợp quốc (LHQ) đối với quan hệ đối tác Việt Nam - LHQ trong 45 năm qua.

Đồng thời, chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, luôn có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của LHQ trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại một cuộc họp ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại một cuộc họp ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Việt Nam - Liên hợp quốc: Hình mẫu của hợp tác phát triển

Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên, lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tới đời sống quốc tế - chính thức được thành lập vào ngày 24/10/1945. Từ đó đến nay, LHQ luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, được công nhận là nền tảng không thể thiếu vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.

Từ 51 quốc gia thành viên khi mới được thành lập, LHQ hiện đã có 193 quốc gia thành viên và một hệ thống tổ chức toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên ngành và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt tại các khu vực, cùng hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực, từ ngăn ngừa và giải quyết xung đột, giải trừ vũ khí, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới...

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ vào ngày 20/9/1977. Việc chính thức gia nhập tổ chức toàn cầu lớn nhất này đã mở ra chương mới trong quan hệ của Việt Nam với thế giới, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam không chỉ tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế cho tái thiết đất nước, mà còn ngày càng tham gia, đóng góp sâu rộng hơn vào các công việc chung của LHQ và của thế giới.

Nhìn lại lịch sử 45 năm qua, mối quan hệ đối tác hợp tác giữa Việt Nam và LHQ đã có một hành trình với đầy ắp, sâu đậm những dấu ấn của LHQ đối với tiến trình phục hồi sau chiến tranh, rồi đi đến đổi mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện với đời sống quốc tế của Việt Nam. Đây đã trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Ngay sau Việt Nam trở thành thành viên của LHQ, tổ chức này đã ra nghị quyết kêu gọi, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, xóa đói giảm nghèo. Đây là bước khởi đầu lớn, tạo cơ sở được công nhận bởi LHQ trong việc vận động quốc tế giúp đỡ Việt Nam.

Trong những năm Việt Nam còn bị cấm vận, từ 1977 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, LHQ là tổ chức giúp đỡ Việt Nam nhiều nhất, từ việc khắc phục hậu quả chiến tranh đến xóa đói giảm nghèo, phát triển và nhiều sự trợ giúp khác.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, LHQ là một trong những tổ chức đi đầu giúp đỡ Việt Nam hoạch định các chính sách và chương trình hành động về đổi mới, cải cách kinh tế, cải cách hệ thống pháp luật, hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.

Ngày nay, cùng với các thành tựu về đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đồng hành và đóng góp ngày càng hiệu quả vào các công việc chung của LHQ và thế giới. Quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ trong 45 năm qua không chỉ góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc của ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Hợp tác Việt Nam - Liên hợp quốc ngày càng hiệu quả, thực chất

11h45 ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 (New York, Mỹ). Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Ảnh: TTXVN

11h45 ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 (New York, Mỹ). Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Ảnh: TTXVN

Kể từ khi tham gia vào các hoạt động chung của LHQ, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng đánh giá: "Việt Nam là đối tác tin cậy vững chắc của LHQ, chính sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Hiện nay, thông qua phối hợp với Văn phòng Điều Phối viên LHQ, các quỹ, chương trình LHQ, Việt Nam đã thông qua các Chương trình quốc gia hợp tác giữa Việt Nam và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) giai đoạn 2022 - 2026 và Khung hợp tác phát triển bền vững Việt Nam-LHQ (trước đây là Kế hoạch Chiến lược chung) giai đoạn 2022 - 2026. Khung hợp tác tập trung vào mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2021-2025 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Chương trình bao gồm 4 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển xã hội bao trùm; Chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường; Chia sẻ thịnh vượng thông qua chuyển đổi nền kinh tế; Quản trị và tiếp cận công lý. Tổng ngân sách của Chương trình này là hơn 542 triệu USD, trong đó có hơn 293 triệu USD có sẵn và hơn 248 triệu USD cần huy động thêm.

Ngoài ra, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã tham gia, thúc đẩy các sáng kiến đa phương quan trọng, nổi bật là việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết tại Hội nghị COP 26 về việc đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tham gia Cam kết toàn cầu giảm phát thải mêtan, Tuyên bố Glasgow các nhà Lãnh đạo về Rừng và Sử dụng đất, Tuyên bố chuyển đổi từ điện than sang điện sạch và Liên minh Hành động Thích ứng toàn cầu.

Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 493 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở LHQ; triển khai 4 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ ở Nam Sudan và 1 đội công binh tại Phái bộ ở Abyei (khu vực tranh chấp giữa Nam Sudan và Sudan); là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân…

Sự tham gia, đóng góp tích cực này chính là cơ sở để Việt Nam được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ, ghi thêm nhiều dấu ấn quan trọng, như: Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (năm 1997), thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của LHQ (ECOSOC) (nhiệm kỳ 1998 - 2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 - 2016), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021)… Trong đó đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam phải kể đến là vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ở cương vị này, Việt Nam đã thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm và cân bằng qua những đóng góp thiết thực, được lãnh đạo LHQ, các nước và dư luận quốc tế đánh giá cao.

Hiện Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan LHQ như thành viên Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2022 - 2025, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021 - 2023, các cơ quan điều hành và chuyên môn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO), Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017 - 2021 và 2023 - 2027, một số cơ chế của LHQ như Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ủy ban pháp lý và kỹ thuật của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (LTC) nhiệm kỳ 2023 - 2027...

Mới đây nhất, tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ngày 7/6/2022, các nước đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 đại diện cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9/2022. Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy LHQ là trọng tâm, Việt Nam - trên cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của LHQ, đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới.

Tiếp đó, ngày 11/10/2022, tại trụ sở LHQ (New York, Hoa Kỳ), hai tiếng “Việt Nam” lại được xướng lên khi Đại hội đồng LHQ bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Trước đó, Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016.

Đảm nhận trọng trách thành viên cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ ba năm tới, Việt Nam có cơ hội và đã sẵn sàng cho bạn bè quốc tế thấy một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; nỗ lực đóng góp nối tiếp sau thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2020 - 2021. Cùng với đó, khẳng định rõ, Việt Nam xứng đáng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, đập tan những luận điệu xuyên tạc, sai sự thật, không khách quan về tình hình Việt Nam, mang tới bạn bè quốc tế thông điệp về chủ trương xuyên suốt: “Lấy người dân là trung tâm, là động lực của phát triển”.

Với những đóng góp tích cực, thực chất tại các cơ quan của LHQ, Việt Nam đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ của một quốc gia luôn tích cực nỗ lực xây dựng lòng tin và đối thoại, làm cầu nối tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột trên thế giới thông qua Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa LHQ và các tổ chức cũng như các cơ chế đa phương. Và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký António Guterres lần này tiếp tục là cơ hội để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.

Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-khang-dinh-vi-the-doi-tac-tin-cay-cua-lien-hop-quoc-20221021061655704.htm