Việt Nam không áp dụng biện pháp 'phong sát', 'cấm sóng'

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử Lê Quang Tự Do cho biết Việt Nam không thực hiện việc phong sát, cấm sóng các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục

Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PT-TH-TTĐT) Lê Quang Tự Do tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vào sáng nay 5-5.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết Việt Nam không áp dụng biện pháp "phong sát" như Trung Quốc

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết Việt Nam không áp dụng biện pháp "phong sát" như Trung Quốc

Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp như "phong sát", "cấm sóng" nghệ sĩ có vi phạm về pháp luật, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục...

"Tuy nhiên, Việt Nam không áp dụng các biện pháp này. Hướng triển khai của cơ quan quản lý Việt Nam thực hiện trên tinh thần đồng thuận và tự nguyện, không phải quy định pháp luật bắt buộc và vì vậy không dùng từ "phong sát"" - ông Lê Quang Tự Do nói.

Làm rõ thêm, ông Lê Quang Tự Do giải thích việc thực hiện "phong sát", "cấm sóng" phải căn cứ vào quy định pháp luật. Trong khi tại Việt Nam, các hành vi bị cấm của công dân được quy định cụ thể trong các văn bản quy định pháp luật.

Vì vậy, để có chế tài đối với các trường hợp vi phạm như trên, cơ quan quản lý chọn biện pháp "mềm" như hạn chế hình ảnh, sự xuất hiện của các nghệ sĩ vi phạm trên các phương tiện truyền thông cũng như các sự kiện, hoạt động biểu diễn.

"Chúng tôi vận động các cơ quan báo chí, các đơn vị tổ chức sự kiện ủng hộ cơ quan quản lý cùng chung tay làm sạch môi trường nghệ thuật, biểu diễn. Không cổ vũ, khuyến khích, không mời các các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, có lối sống lệch chuẩn theo Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ban hành năm 2021" - Cục trưởng Cục PT-TH-TTĐT đề nghị.

Theo ông Lê Quang Tự Do, hiện Bộ VH-TT-DL đang xây dựng dự thảo Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử (phát tán, lan truyền tin giả, quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục) theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng (trang tin, mạng xã hội).

Vừa qua, Bộ TT-TT đã thông qua Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Trong 19 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được Bộ TT-TT nêu ra, có nhiệm vụ quản lý người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng (KOLs).

Theo đó, lãnh đạo Bộ TT-TT giao Cục PT-TH-TTĐT chủ trì, phối hợp Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL triển khai quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Thời hạn thực hiện từ tháng 10-2023.

Thời gian qua có không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội, trong hoạt động quảng cáo... Có thể kể đến các hành vi như phát hành MV (video ca nhạc) cổ xúy tự tử, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ; đưa tin sai sự thật; quảng cáo tiền ảo, bói toán, mê tín, thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Tuy nhiên, mức phạt với mỗi hành vi vi phạm liên quan việc đưa tin sai sự thật còn quá nhẹ, chỉ từ 5-10 triệu đồng, trong khi mức phạt vi phạm về quảng cáo chỉ đến 80 triệu đồng.

Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 5 (tháng 5-2023).

Theo đó, cử tri phản ánh thời gian qua, hiện tượng những người nổi tiếng như: Diễn viên, ca sĩ... tham gia quảng cáo, bán các loại thuốc tây, thuốc nam, thực phẩm chức năng trên các trang mạng xã hội nhưng chất lượng không giống như quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng "tiền mất tật mang", ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng, còn đối tượng lừa đảo thì thu lợi trái phép hàng tỉ đồng gây bức xúc, hoang mang cho người dân.

Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ cho biết hiện Bộ TT-TT đang phối hợp với Bộ VH-TT-DL xây dựng Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (ca sĩ, nghệ sĩ) vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử (phát tán, lan truyền tin giả, quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục) theo hướng hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên đài phát thanh truyền hình, trên môi trường mạng (trang tin, mạng xã hội).

Đã khôi phục 2 tuyến cáp quang biển đi quốc tế, còn 3 tuyến bị sự cố

Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết tính đến ngày 3-5, đã có 2 tuyến cáp quang biển IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa. Ba tuyến còn lại dự kiến sẽ được khôi phục trong tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Bộ TT-TT đã xác định hạ tầng số là hạ tầng quan trọng, một trong những tiêu chí mà Bộ TT-TT đặt ra là tính bền vững. Trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển mới phù hợp với dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.

Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm AAG, AAE-1, APG, IA và SMW3, cập bờ tại 2 trạm ở Đà Nẵng và Vũng Tàu. Trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, cả 5 tuyến cáp quang biển quốc tế này lần lượt gặp sự cố. Tình huống hi hữu này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế, đồng thời cũng tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ.

B.Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/viet-nam-khong-ap-dung-bien-phap-phong-sat-cam-song-20230505123006117.htm