Việt Nam kiên định đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: 'Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam'.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tới Hatay, sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TTXVN

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tới Hatay, sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TTXVN

Dù vậy, trong các bài viết trên mạng xã hội cũng như các trang web, các thế lực, phần tử cơ hội chính trị, chống phá cách mạng luôn có những luận điệu xuyên tạc đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, bịa đặt cho rằng Việt Nam “theo phe này phe kia”, hay “thân” nước A, “chống” nước B…. Một số phần tử cơ hội xuyên tạc trắng trợn mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn, một cách không có căn cứ.

* Phát tán những “virus độc hại”

Những việc làm thâm độc của các đối tượng cơ hội chính trị là hòng phá hoại uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phủ nhận thành tựu ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, không ngừng gieo rắc, phát tán những “virus độc hại” vào tư tưởng, niềm tin của người tiếp cận thông tin đối với đường lối ngoại giao của nước ta.

Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia trên thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ kinh tế với hơn 230 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng như: LHQ, ASEAN, APEC, ASEM, WTO…

Tại hội thảo khoa học Hiệp định Paris - thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới do Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, TS Nguyễn Văn Dương và ThS Đinh Anh Thái, Trường đại học Nguyễn Huệ có tham luận Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Hai tác giả nhận định: “Trong thực tiễn, các thế lực thù địch dùng nhiều ngón đòn và các chiêu trò khác nhau với những giọng điệu khác nhau, khi thì đứng hẳn về phía đối lập ra sức xuyên tạc chống phá, khi thì như “người trong cuộc” thể hiện “thiện chí”, “tâm huyết” đối với sự nghiệp cách mạng và chính sách đối ngoại của Việt Nam. Song, những luận điệu và sự “tâm huyết” này đều thể hiện một thái độ và cái nhìn thiếu thiện chí, méo mó, sai lệnh và thù địch đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta và tình hình thực tiễn của Việt Nam.

Nội dung và chiêu thức xuyên tạc của các thế lực thù địch trong nhiều trường hợp tưởng như mâu thuẫn nhau, nhưng thực chất đều nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, chống phá cách mạng Việt Nam. Sự chống phá đó đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng vào đời sống chính trị quốc tế. Dù chưa thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam, chưa thể hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, nhưng những luận điệu này cũng có thể khiến một bộ phận cán bộ và nhân dân ta hoang mang, dao động, từ đó suy giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, gây khó khăn cho Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế”.

* Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển

Trước hết, có thể khẳng định, Việt Nam không có theo phe nào, không “thân” nước A, “chống” nước B. Từ năm 1945 - khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tiền thân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay) và Bộ Ngoại giao cho đến nay, đường lối ngoại giao của Việt Nam luôn kiên định lập trường độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945 - 28-8-2022), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có bài viết: 77 năm Ngoại giao Việt Nam: Tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trong bài viết, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn có nêu: “Dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoại giao là một mặt trận chiến lược trong hai cuộc kháng chiến và kiến quốc. Với những quyết sách mưu lược và khôn khéo, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng và nhân dân sau Cách mạng tháng Tám. Cùng các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa..., “vừa đánh, vừa đàm”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với bất cứ một ai”, mặt trận ngoại giao đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng tiến bộ và nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của nhân dân ta, tạo nên những thắng lợi làm rạng rỡ lịch sử dân tộc, từ đàm phán, ký kết Hiệp định Genève năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973.

Sau khi đất nước thống nhất, ngoại giao là mặt trận tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bị bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho phát triển đất nước.

Trong hơn 35 năm đổi mới, kế thừa và vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao cùng các trụ cột, binh chủng đối ngoại đã đi đầu tạo dựng, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế quốc gia”.

* Vận dụng đúng đắn tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học Hiệp định Paris - thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh và sự vận dụng, phát triển nền ngoại giao Việt Nam trong tình hình mới, ThS Tạ Văn Soát, Trưởng khoa Lý luận cơ sở Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, đạt được nhiều thành tựu to lớn mang lại tiềm lực, vị thế ngày càng cao cho đất nước như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Cũng từ bối cảnh thực tiễn trong nước và thế giới hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bên cạnh những thuận lợi cũng có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải nghiên cứu, quán triệt, vận dụng đúng đắn tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn. Trong đó, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; chủ động tích cực hội nhập quốc tế... Đồng thời, chủ động thích ứng với bối cảnh tình hình thế giới và trong nước; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; vấn đề biến đổi khí hậu dịch bệnh; khuyến khích đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển… để hướng tới mục tiêu to lớn của cách mạng là phấn đấu đến giữa thế kỷ 21 nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, theo TS NGUYỄN VĂN DƯƠNG và ThS ĐINH ANH THÁI, Trường đại học Nguyễn Huệ, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác ngoại giao và đường lối hội nhập quốc tế của Đảng. Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái thù địch. Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân. Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202302/viet-nam-kien-dinh-duong-loi-ngoai-giao-doc-lap-tu-chu-3156897/