Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu vắc-xin Covid-19

Với những kết quả bước đầu trong thử nghiệm vắc-xin Covid-19, Việt Nam kỳ vọng đến cuối năm 2021 có thể chủ động nguồn vắc-xin Covid-19 trong nước và tiến tới xuất khẩu vắc-xin vào năm 2022

Sáng 15-3, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Y Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covivac đối với 6 tình nguyện đầu tiên. Kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan.

Đạt điều kiện quốc tế, giá thành thấp

Vắc-xin Covivac phòng Covid-19 do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất. Giai đoạn 1 thử nghiệm từ ngày 15-3 đến ngày 20-4 trên 120 tình nguyện viên độ tuổi từ 18-59, chia thành 5 nhóm, trong đó có 1 nhóm tiêm giả dược.

Covivac là vắc-xin thứ 2 của Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng, sau Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất, hiện đã sang giai đoạn 2. Bộ Y tế cho biết IVAC đã mua bảo hiểm cho toàn bộ đối tượng tham gia nghiên cứu với tổng giá trị 40 tỉ đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng Việt Nam luôn tôn trọng tối đa nguyên tắc khoa học, chặt chẽ và an toàn trong thử nghiệm vắc-xin. "Đây là vắc-xin mà chúng tôi rất kỳ vọng, có niềm tin sẽ thành công, bởi vắc-xin này được ra đời từ sự tận tâm, tận lực của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Vắc-xin này cũng đã trải qua quá trình nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng tại Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ, bước đầu cho thấy nó không chỉ có hiệu quả với những chủng thông thường mà cả chủng đột biến Anh, Nam Phi" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Tiêm vắc-xin Covid-19 Covivac cho người tình nguyện sáng 15-3 tại Trường Đại học Y Hà Nội

Tiêm vắc-xin Covid-19 Covivac cho người tình nguyện sáng 15-3 tại Trường Đại học Y Hà Nội

Cũng theo ông Thuấn, nếu Covivac thành công, cùng với vắc-xin Nano Covax sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn vắc-xin Covid-19 trong nước. Dự kiến, cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 Việt Nam sẽ có vắc-xin phòng bệnh và tiến tới xuất khẩu vắc-xin Covid-19.

GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, đánh giá cao hiệu quả vắc-xin Covivac. Với việc thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, như: chuột, khỉ cho kết quả đáp ứng miễn dịch tốt, GS-TS Đặng Đức Anh kỳ vọng vắc-xin này đạt hiệu quả bảo vệ tốt với các chủng virus SARS-CoV-2 lưu hành tại Việt Nam và nhiều chủng lưu hành trên thế giới.

Còn theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, Vắc-xin Covivac được nghiên cứu phát triển từ tháng 5-2020 với mục tiêu sau 18 tháng sẽ cho ra sản phẩm hoàn thiện, đạt điều kiện quốc tế với giá thành thấp. Đây là vắc-xin dạng dung dịch, không có chất bảo quản với 3 nhóm liều 1mcg, 3mcg và 10mcg gồm 2 loại có tá chất và không có tá chất.

Xử trí kịp thời các ca phản ứng sau tiêm

Bộ Y tế cho biết đến sáng 15-3, Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 cho 11.065 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng.

Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, trong tổng số 1.382 người được tiêm vắc-xin Covid-19 ngày 14-3, ghi nhận 2 trường hợp phản ứng nặng. Trong đó, 1 trường hợp có dấu hiệu chóng mặt, bồn chồn, khó chịu xuất hiện trong vòng 30 phút sau tiêm. Trường hợp thứ hai được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 (được đánh giá là nghiêm trọng) với dấu hiệu ban đầu sốt, rét run kèm theo co quắp, tê bì tay xuất hiện 8 giờ sau tiêm. Cả hai trường hợp được phát hiện và xử trí kịp thời theo đúng quy định, hiện tại sức khỏe đã ổn định. Như vậy, đến nay đã có 13 trường hợp phản ứng độ 2 và độ 3 sau tiêm vắc-xin Covid-19 đều được theo dõi, xử lý kịp thời.

GS-TS Đặng Đức Anh khẳng định các phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 đều được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt những phản ứng nặng. Với các phản ứng nặng gặp ghi nhận rải rác ở những lứa tuổi khác nhau, đa số đã có thăm khám ban đầu không có bệnh lý nền nghiêm trọng. Phản ứng này chủ yếu là sốt cao, tăng huyết áp đã được xử lý kịp thời, tình trạng sức khỏe tốt và tiếp tục công tác.

Dễ bùng phát dịch do tụ tập đông người

PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho biết hiện nay nhiều địa phương cho phép mở cửa đi lễ chùa hoặc tổ chức lễ hội nhưng không làm khai mạc lễ hội và yêu cầu người dân thực hiện quy định chống dịch của Bộ Y tế. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô đi chùa, nhiều người không đeo khẩu trang, không thực hiện giãn cách là rất nguy hiểm. Nếu trong đám đông có người mắc Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm sang người khác là rất lớn. "Không thể khẳng định trong cộng đồng tuyệt đối không có mầm bệnh, do đó nếu có người mắc Covid-19 mà không có triệu chứng, ẩn nấp trong cộng đồng, âm thầm lây nhiễm, ngành y tế không phát hiện sớm thì càng có nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng. Người dân tuyệt đối không được chủ quan khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhất là đi lễ hội, chùa chiền ở thời điểm này"- PGS Phu cảnh báo.

PGS Phu cũng cho biết hiện dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp nên ở Việt Nam dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Vừa qua, dịch Covid-19 ở Hải Dương, TP HCM, Hà Nội đã ghi nhận các chủng mới mà chủng mới phải thông qua con đường nhập cảnh. Vì thế, nếu chủ quan, lơ là dịch sẽ bùng phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

N.Dung

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/viet-nam-ky-vong-xuat-khau-vac-xin-covid-19-20210315224009838.htm