Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Đức

Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Đức.

Đầu tháng 12/2024, các doanh nghiệp đã có buổi "Hội nghị bàn tròn" với Đại sứ Đức tại Việt Nam - bà Helga Margarete Barth. Ảnh: GBA

Đầu tháng 12/2024, các doanh nghiệp đã có buổi "Hội nghị bàn tròn" với Đại sứ Đức tại Việt Nam - bà Helga Margarete Barth. Ảnh: GBA

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Đức (GBA) tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư từ Đức vào Việt Nam trong năm nay đạt 3,6 tỷ USD, phân bổ chủ yếu vào các ngành sản xuất công nghệ cao, logistics và năng lượng tái tạo, với hơn 530 công ty đang hoạt động tại Việt Nam. Những dự án nổi bật được các doanh nghiệp Đức đầu tư trong năm 2024 tại Việt Nam có thể kể đến như Ziehl-Abegg, nhà cung cấp hàng đầu thế giới về công nghệ thông gió, đã mở nhà máy sản xuất trị giá 20 triệu USD tại Đồng Nai, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty.

Ngoài ra, Kärcher, công ty nổi tiếng với các giải pháp làm sạch sáng tạo, cũng đã thành lập một nhà máy sản xuất tại Quảng Nam, trị giá hơn 500 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm thân thiện với môi trường tại thị trường châu Á.

Tại Long Thành, chỉ trong 9 tháng qua, khi Pearl Polyurethane Systems khai trương nhà máy mới đã đóng góp 1,2 tỷ USD FDI cho Đồng Nai. Ngoài ra, trung tâm vận hành của DIGI-TEXX Vietnam tại Hậu Giang khai trương vào tháng 8 vừa qua cũng đã tuyển dụng hơn 900 lao động địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Đức hiện có 252 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 378 triệu USD, đứng thứ 14 trong số 122 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào thành phố. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Việt Nam đang tiếp tục mở rộng các cơ hội hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp Đức, vốn nổi tiếng về công nghệ tiên tiến và quy trình sản xuất chất lượng cao, sẽ là đối tác lý tưởng trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam”.

Một trong những lĩnh vực được các doanh nghiệp Đức đặc biệt chú trọng đầu tư tại Việt Nam là công nghiệp chế tạo và tự động hóa. Các công ty Đức như Siemens, Bosch và Thyssenkrupp đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Chẳng hạn, công ty công nghệ toàn cầu Siemens đã đầu tư hàng trăm triệu euro vào các dự án về tự động hóa công nghiệp và công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Ngoài công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo cũng là lĩnh vực thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các doanh nghiệp Đức. Với cam kết về môi trường bền vững và sự chuyển dịch năng lượng sạch, các công ty như Juwi và First Solar đang đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam.

Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Đức, Chính phủ Việt Nam đã có những động thái mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), giúp giảm bớt rào cản thuế quan và tạo môi trường pháp lý ổn định cho các doanh nghiệp Đức khi đầu tư vào Việt Nam.

Tại hội thảo “Đầu tư và thương mại Việt Nam - Đức” mới đây, ông Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam chia sẻ: “Hiệp định EVFTA không chỉ giúp cải thiện thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia EU mà còn tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Đức trong việc đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam đang rất cần, như công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Đức trong việc triển khai các dự án đầu tư”.

Ngoài ra, các chính sách cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư cùng với việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp hỗ trợ cũng giúp các doanh nghiệp Đức dễ dàng hơn trong việc triển khai dự án tại Việt Nam.

GBA tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư và thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược giữa các doanh nghiệp Đức và Việt Nam. GBA hiện đang làm cầu nối giữa các doanh nghiệp Đức và các cơ quan Chính phủ Việt Nam, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và kết nối cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.

Ông Alexander Ziehe, Chủ tịch GBA chia sẻ: Năm 2025, GBA sẽ tiếp tục ưu tiên cho các khoản đầu tư bền vững, tập trung vào các ngành như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và sản xuất công nghệ cao. Đặc biệt, đây cũng là năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức cùng với 30 năm thành lập GBA. Theo đó, GBA đặt kế hoạch thúc đẩy đổi mới, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua khuyến khích FDI cho các lĩnh vực như năng lượng tái tạo hoặc sản xuất công nghệ cao, GBA đặt mục tiêu trở thành đối tác then chốt trong hành trình phát triển của kinh tế Việt Nam.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/viet-nam-la-diem-den-hap-dan-cua-cac-nha-dau-tu-duc-20241205155201161.htm