Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của vùng Bắc Australia

Các cơ quan chính quyền vùng lãnh thổ Bắc Australia cho biết, Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong chiến lược phát triển, là thị trường hợp tác giáo dục rất tiềm năng và là đối tác thương mại quan trọng của Bắc Australia.

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam làm việc với Tổ chức liên minh người bản địa Larrakia Nation ở Bắc Australia.

Đoàn doanh nghiệp Việt Nam làm việc với Tổ chức liên minh người bản địa Larrakia Nation ở Bắc Australia.

Trong ba ngày 16-18/5, đoàn doanh nghiệp Việt Nam do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Bắc Australia (NTVBC), có chuyến thăm làm việc tại Bắc Australia. Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Tây Australia và Vùng Lãnh thổ Bắc Australia Nguyễn Thanh Hà cùng Chủ tịch NTVBC Nguyễn Ngọc Mỹ dẫn đầu đoàn công tác.

Đây là chuyến thăm Bắc Australia đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam kể từ sau đại dịch bệnh Covid-19 tới nay.

Nhân dịp chuyến thăm, đoàn đã có các buổi làm việc với cơ quan Chính quyền Bắc Australia, Phòng Thương mại Bắc Australia, Tổ chức liên minh người bản địa Larrakia Nation và gặp gỡ các doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng thịt đỏ, vật liệu xây dựng, bất động sản - du lịch, xuất nhập khẩu, logisctics vận tải biển, Quỹ đầu tư hỗ trợ các dự án công nghệ đổi mới sáng tạo …

Trong trao đổi, các cơ quan chính quyền vùng lãnh thổ Bắc Australia cho biết, Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong chiến lược phát triển, là thị trường hợp tác giáo dục rất tiềm năng và là đối tác thương mại quan trọng của Bắc Australia; bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, quan hệ hai bên sẽ phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng của cả hai bên.

Đoàn làm việc với Bộ Công nghiệp-Thương mại và Du lịch Bắc Australia.

Đoàn làm việc với Bộ Công nghiệp-Thương mại và Du lịch Bắc Australia.

Phía bạn cũng bày tỏ sẵn sàng xem xét tạo thuận lợi cho các hãng hàng không Việt Nam sớm mở đường bay thẳng để thúc đẩy giao thương hai chiều. Tổng Lãnh sự Nguyễn Thanh Hà khẳng định, giữa Việt Nam và Bắc Australia có rất nhiều cơ hội hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại-đầu tư, du lịch và giáo dục-đào tạo.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đáp ứng với mong đợi của cả hai bên, bà Nguyễn Thanh Hà đề nghị chính quyền Bắc Australia xem xét tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp và đề xuất Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Bắc Australia phối hợp hỗ trợ các đoàn công tác của Bắc Australia vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Thanh Hà bày tỏ mong muốn chính quyền Bắc Australia xem xét mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện nay hầu hết các bang của Australia đều có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đề xuất Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam-Bắc Australia hỗ trợ về địa điểm và nhân sự để vận hành văn phòng trong thời gian đầu.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng Lãnh sự cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan của Bắc Australia trao đổi với chính quyền Liên bang để có cơ chế hỗ trợ thị thực cho doanh nghiệp Việt Nam sang địa bàn này tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Các cuộc trao đổi đã diễn ra trên tinh thần xây dựng, cởi mở. Phía bạn rất thẳng thắn trao đổi về các thuận lợi, khó khăn trong hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là sự thiếu hụt đường vận chuyển giữa Bắc Australia và Việt Nam kể cả hàng không lẫn đường biển.

Đoàn họp với Cảng vụ Darwin về tiêu chuẩn và điều kiện việc tiếp nhận tàu Việt Nam vận chuyển container hàng hóa đông lạnh và hàng khô hai chiều trực tiếp giữa Darwin và Sài Gòn/Hải Phòng.

Đoàn họp với Cảng vụ Darwin về tiêu chuẩn và điều kiện việc tiếp nhận tàu Việt Nam vận chuyển container hàng hóa đông lạnh và hàng khô hai chiều trực tiếp giữa Darwin và Sài Gòn/Hải Phòng.

Nếu khó khăn này được giải quyết, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thịt bò, hải sản, quặng kim loại… và nhập khẩu vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, thực phẩm từ Việt Nam.

Đặc biệt là khi quãng đường vận chuyển từ cảng Việt Nam đến cảng Darwin mất chỉ khoảng 6 ngày rưỡi, bằng 1/2 chặng đường nếu vận chuyển từ cảng Việt Nam đi Melbourne hoặc Sydney, tăng thêm lợi thế cạnh tranh về giá cả và thời gian đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

(theo Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-la-doi-tac-thuong-mai-quan-trong-cua-vung-bac-australia-272015.html