Việt Nam là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới
Với xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, cùng với quy mô đầu tư được dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống.
Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng. Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ trong nước trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Thống kê cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần.
Số liệu cho thấy, có khoảng 15% thị phần của phương thức bán lẻ qua trung tâm thương mại, 50% thị phần của phương thức bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 10% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần của phương thức bán lẻ không thông qua cửa hàng. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, hiện tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp đã nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mở rộng mạng lưới; đồng thời, hướng đến phát triển bán lẻ trực tuyến với nhiều hình thức phong phú như hệ thống Vinmart, Hapro, Co.op mart…
Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn. Ngược lại, những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản dưới nhiều hình thức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này với 53% thị phần.
Với việc Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, theo các chuyên gia, đây thực sự là thách thức lớn với các nhà bán lẻ do sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cũng như tốc độ ứng dụng công nghệ tiên tiến cao đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tụt hậu về công nghệ diễn ra trong thời gian dài so với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, trình độ quản trị của doanh nghiệp còn ở mức thấp và chưa đồng đều, nguồn nhân lực còn hạn chế… là những vấn đề doanh nghiệp Việt cần sớm có giải pháp khắc phục.