Việt Nam là một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới

là nhận định được các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2020 vừa diễn ra sáng 22/12.

Toàn cảnh Diễn đàn VBF 2020. Ảnh: Báo Đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của VBF - sự kiện được tổ chức thường niên để tạo nên một cơ chế đối thoại liên tục, chặt chẽ giữa Chính phủ với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cùng đồng hành với Chính phủ, VBF đã đưa ra nhiều sáng kiến có hữu ích và có giá trị, đem lại hiệu quả trong việc triển khai các chính sách kinh tế tài chính để kịp thời đáp ứng nhu cầu và sự mong mỏi của số đông doanh nghiệp; nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay. Chính phủ đặc biệt coi trọng những đóng góp và sự nỗ lực chung tay ấy.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, trạng thái "bình thường mới" sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, cũng như trong xây dựng và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, về đầu tư, kinh doanh.

Điều đó càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam chuẩn bị bước vào thời kỳ chiến lược mới (2021 - 2030) với việc triển khai các Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, hướng tới sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Phó Thủ tướng nhận định cộng đồng doanh nghiệp sẽ là lực lượng nòng cốt để góp phần thực hiện thành công các chiến lược và kế hoạch trên.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF, trong năm qua, Việt Nam nổi lên một trong những điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới.

Theo ước tính và dự báo từ nhiều tổ chức trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức từ 2-3% trong năm 2020 và Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng qua vẫn tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính đạt 489,1 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2020 đạt 26,4 tỷ USD, chỉ giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh trên toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19, kết quả này là tốt hơn nhiều so với các quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong giới đầu tư quốc tế.

Những thành công kinh tế nêu trên chính là nhờ kết quả của sự cố gắng vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chưa từng có này.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên kịch bản để ứng phó với khó khăn, rất nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu, thay đổi sản phẩm để tồn tại. Các doanh nghiệp đều cố gắng có đơn hàng dù nhỏ để bảo đảm cho người lao động có việc làm, có thu nhập.

Nhiều dự báo cho thấy, năm 2021 vẫn là năm kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn và Việt Nam không là ngoại lệ.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nói riêng để phục hồi từ COVID-19 và tiếp tục phát triển.

Cũng tại diễn đàn, khi nhắc tới những kế hoạch triển khai trong tương lai gần để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu mới.

Đó là, tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội;

Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số;

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-la-mot-trong-nhung-diem-sang-tren-ban-do-kinh-te-the-gioi-post110217.html