Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của CH Séc bên ngoài EU

'Trong bối cảnh CH Séc đẩy mạnh chiến lược Ấn độ - Thái Bình Dương, bạn khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Séc bên ngoài EU về phát triển thương mại và đầu tư'.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (8-10/6), phóng viên VOV tại Cộng hòa Séc đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng về những nội dung trọng tâm của chuyến thăm và những kỳ vọng trong quan hệ hợp tác hợp tác ngoại giao giữa hai nước.

PV: Thưa Đại sứ, Đại sứ đánh giá như thế nào về việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai quốc gia Việt Nam - CH Séc, đặc biệt vấn đề trao đổi đoàn các cấp?

Đại sứ Thái Xuân Dũng: Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và CH Séc không ngừng được củng cố và phát triển trong suốt hơn 70 năm qua trên tất cả các lĩnh vực: chính trị ngoại giao, hợp tác thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục… Sau hai năm bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thời gian gần đây, quan hệ chính trị đối ngoại giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực thể hiện qua việc trao đổi đoàn song phương được đẩy mạnh và khá dày đặc.

Đại sứ Thái Xuân Dũng

Đại sứ Thái Xuân Dũng

Trong năm 2022, hai bên trao đổi nhiều đoàn các cấp, đáng chú ý là chuyến thăm Séc của Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An kết hợp họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt - Séc lần VII (6/2022); phía Séc thăm Việt Nam có Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cenechova và Thứ trưởng Ngoại giao Jiri Kozak tháng (12/2022). Tiếp nối thành công đó, từ đầu năm 2023 đã diễn ra một loạt chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Séc Josef Sikela thăm Việt Nam tháng 2/2023, Thủ tướng Séc Petr Fiala tháng 4/2023, Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Batosek (5/2023) và từ 8-10/6 sẽ diễn ra chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đến CH Séc.

Qua các cuộc trao đổi cấp cao giữa lãnh đạo hai bên, có thể nhận thấy, quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, tích cực và đang trên đà vươn tới một tầm cao mới. Trong bối cảnh CH Séc đẩy mạnh chiến lược Ấn độ - Thái Bình Dương, bạn khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Séc bên ngoài EU về phát triển thương mại và đầu tư.

PV: Được biết Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam sẽ thăm cộng hòa Séc từ ngày 8-10/6, Đại sứ có thể chia sẻ ý nghĩa và những điểm nổi bật trong chuyến thăm lần này của Ngài Bộ trưởng?

Đại sứ Thái Xuân Dũng: Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ hội đàm cùng Bộ trưởng Jan Lipavsky, chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Milos Vistrycil. Thông qua các cuộc gặp, hai bên sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quan hệ chính trị đối ngoại, duy trì trao đổi đoàn cấp cao, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế, triển khai hiệu quả thỏa thuận EVFTA, tăng cường hợp tác thương mại-đầu tư, an ninh - quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, lao động…

Đồng thời, nhằm triển khai chủ trưởng đã được Lãnh đạo hai nước thông nhất tại chuyến thăm của Thủ tướng Petr Fiala đến Việt Nam tháng 4/2023 vừa qua, hai bên sẽ tập trung thảo luận việc thực thi triển khai các cam kết, hiệp định, thỏa thuận đã ký kết, đặc biệt là (i) thúc đẩy ký kết Hiệp định giáo dục giai đoạn mới trên cơ sở Ý định thư về hợp tác giáo dục hai bên đã ký kết; (ii) thúc đẩy phía Séc nới lỏng quy định cấp visa cho người Việt Nam, tiến tới việc đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác lao động giữa hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hợp tác lao động, chuyên gia giữa hai quốc gia; (iii) thúc đẩy việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước. Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi nhằm triển khai hiệu quả các lĩnh vực đang hợp tác như dự án đầu tư nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của Skoda Auto tại Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, an ninh mạng, trung tâm dữ liệu năng lượng, công nghiệp khai khoáng, khảo sát địa chất, công nghệ môi trường và quản lý nước và chất thải, đào tạo phi công…

PV: Chúng ta có kỳ vọng gì về những đột phá mới trong quan hệ hợp tác ngoại giao giữa hai nước, nhất là khi có sự trao đổi tích cực các đoàn cấp cao giữa Việt Nam – Cộng hòa Séc trong thời gian qua?

Đại sứ Thái Xuân Dũng: Trong bối cảnh CH Séc đẩy mạnh chiến lược Ấn độ - Thái Bình Dương và Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế và uy tín trên trường quốc tế, CH Séc ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam thể hiện qua sự trao đổi các đoàn cấp cao ngày càng tăng giữa hai nước. Hiện nay, hợp tác giữa hai nước đang được triển khai trên rất nhiều những lĩnh vực như tôi đã nêu ở trên. Tuy nhiên đối với hợp tác lao động, CH Séc đã mở cửa lao động cho một số nước ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia nhưng chưa có Việt Nam. Tôi hy vọng tại chuyến thăm Bộ trưởng Ngoại giao lần này, hai bên sẽ thảo luận để có thể có bước tích cực trong việc Séc mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam, tiến tới việc đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác lao động giữa hai bên cũng như triển khai việc thành lập Trung tâm văn hóa tại hai nước.

PV: Thưa Đại sứ, tháng 7/2023 là dấu mốc quan trọng, kỷ niệm 10 năm cộng đồng người Việt Nam được chính phủ Séc công nhận là người dân tộc thiểu số tại Séc. Xin Đại sứ cho biết những đóng góp nổi bật của cộng đồng người Việt đối với xã hội Séc cũng như vai trò của cộng đồng trong việc gắn kết và phát triển quan hệ hai nước?

Đại sứ Thái Xuân Dũng: Cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc là cộng đồng người Việt đầu tiên và duy nhất được Chính phủ nước sở tại công nhận là dân tộc thiểu số vào ngày 3/7/2013. Sau 10 năm xây dựng và phát triển, cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc đang ngày càng hội nhập một cách bền vững và có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của nước sở tại, khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của người Việt Nam tại Séc.

Những đóng góp nổi bật của Cộng đồng đối với xã hội Séc có thể kể đến như: (i) Quảng bá nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam thông qua các lễ hội văn hóa truyền thống của Việt Nam như Tết Cổ truyền, Tết Trung thu, các sự kiện triển lãm nghệ thuật, Festival Dân tộc thiểu số, Lễ hội Hành tinh màu…. (ii) Ủng hộ, chia sẻ đối với những khó khăn của người dân, chính quyền Séc gặp phải như trận lốc xoáy kinh hoàng tại Nam Morava (tháng 7/2021), giúp đỡ người tỵ nạn bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine; (iii) Đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Cộng hòa Czech thông qua hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn người Việt và hàng nghìn các cửa hàng, siêu thị nhỏ trải rộng trên toàn Séc.

Đặc biệt, khi Cộng hòa Séc chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, thiếu thốn các trang thiết bị trong việc phòng chống Covid-19, cộng đồng ta đã tích cực may khẩu trang cùng với dung dịch sát khuẩn, máy thở, tài chính, vật chất để ủng hộ người dân, chính quyền sở tại từ cấp Trung ương đến địa phương, hỗ trợ kịp thời trong việc phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tất cả những đóng góp của cộng đồng người Việt tại Séc đều được lãnh đạo và người dân ghi nhận và đánh giá cao. Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo Séc luôn có những phát biểu đánh giá cao cộng đồng người Việt với tình cảm quý mến và sự trân trọng.

Từ đó có thể khẳng định, cộng đồng người Việt Nam tại Séc luôn là cầu nối, là sứ giả đóng góp hiệu quả vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch... góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước đạt những tầm cao mới trong những năm tới đây./.

Hải Đăng/VOV-Praha

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-la-mot-trong-nhung-doi-tac-hang-dau-cua-ch-sec-ben-ngoai-eu-post1025050.vov