Việt Nam là nhà xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ ba thế giới

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới về lượng và đứng thứ hai về giá trị kim ngạch.

Theo bản tin thị trường nông, lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu 467.998 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 176,1 triệu USD, tăng 98,2% về lượng và 90% về trị giá so với tháng 1/2023. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu mặt hàng trên cũng tăng lần lượt 88,8% và 74,2%.

Trong đó, xuất khẩu sắn đạt 188.310 tấn, trị giá 51,06 triệu USD, tăng 221,1% về lượng và tăng 239,1% về trị giá so với tháng 1/2023. So với tháng 2/2022, xuất khẩu sắn tăng 82,5% về lượng và tăng 75% về trị giá.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 703.470 tấn, đạt 268,09 triệu USD, tăng 38,7% về lượng và tăng 25,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sắn đạt 246.440 tấn, đạt 65,71 triệu USD, tăng 35,9% về lượng và 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, trong tháng 2/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,36% tổng lượng xuất khẩu của cả nước với 436.900 tấn, trị giá 161,98 triệu USD, tăng 88,7% về lượng và tăng 71,9% về trị giá so với tháng 2/2022.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 659.840 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 248,14 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới về lượng (sau Thái Lan, Campuchia) và đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu (sau Thái Lan).

Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam vẫn phải qua nhiều khâu trung gian và hơn 90% lượng sắn xuất khẩu đều sang thị trường Trung Quốc. Trong khi chi phí logistics của Việt Nam cao, nên hiện nay xuất khẩu sắn của Việt Nam gặp cạnh tranh về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.

Về giá, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 376,3 USD tấn trong tháng 2/2023, giảm 4,2% so với tháng 1/2023 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng giá xuất khẩu bình quân sắn ở mức 271,2 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 1/2023 nhưng lại giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu dẫn thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tháng 3/2023, giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.300-3.700 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng 2/2023. Tại Đăk Lăk giá dao động ở mức 2.900-2.950 đồng/kg, tăng 50 đồng/ kg so với cuối tháng 2/2023. Tại Gia Lai giá dao động ở mức 2.950-3.100 đồng/ kg, ổn định so với cuối tháng 2/2023.

Tại miền Trung giá sắn tươi dao động ở mức 2.650-2.750 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 2/2023. Tại miền Bắc giá sắn tươi dao động ở mức 2.250-2.600 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg so với cuối tháng 2/2023.

Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 480-505 USD/tấn FOB cảng TP HCM, tăng 5-10 USD/tấn so với cuối tháng 2/2023. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 3.350 – 3.650 CNY/tấn, ổn định so với cuối tháng 2/2023.

Hiện tại giá thành công xưởng của các nhà máy Việt Nam cao. Một số nhà máy nhỏ đã phải nghỉ vụ do hết nguyên liệu, các nhà máy khác thu mua sắn củ tươi hàng cuối vụ với giá khá cao. Theo đó, báo giá xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam của nhiều nhà máy cao hơn mức giá giao dịch tại thị trường Trung Quốc.

Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 305 USD/tấn FOB Quy Nhơn; trong khi, giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 355 USD/tấn FOB Quy Nhơn, ổn định so với cuối tháng 2/2023.

Giá sắn lát thu mua về các kho trữ hàng khá cao. Các đơn vị kinh doanh sắn lát báo giá bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước với mức giá khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg.

Tại Phú Yên, trong 5 năm trở lại đây, diện tích cây sắn liên tục bị bệnh khảm lá virus. Niên vụ sắn 2022/23, bệnh khảm lá đã gây hại hơn 14.000 ha sắn tại Phú Yên, trong đó có đến 8.200 ha bị nhiễm bệnh nặng. Bệnh khảm lá virus xảy ra hầu hết trên các giống sắn đang trồng hiện nay ở Phú Yên.

Hiện tỉnh Sơn La có 47.000 ha sắn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Phù Yên..., sản lượng đạt trên 550.000 tấn. Tỉnh Sơn La xác định tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực tìm kiếm thị trường, phấn đấu xuất khẩu hơn 94.000 tấn sản phẩm sắn các loại, đạt giá trị khoảng 36 triệu USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến sắn cùng công suất chế biến 300 tấn/ngày là các đơn vị chủ lực trong thu mua, chế biến sản phẩm sắn cho nông dân địa phương.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-la-nha-xuat-khau-san-va-san-pham-tu-san-lon-thu-ba-the-gioi-post19001.html