Việt Nam là thị trường hứa hẹn để phát triển năng lượng mặt trời
Nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh quốc Shire Oak International cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường màu mỡ nhất trên thế giới về năng lượng mặt trời.
Ngày 6/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg "Về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam”. Đây được xem như đòn bẩy để phát triển nguồn năng lượng vô tận và đầy tiềm năng của Việt Nam.
Ngay sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg được ban hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều biện pháp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN).
Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN khẳng định, EVN sẽ tạo điều kiện để nguồn ĐMTMN phát triển phù hợp, mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải tỏa của lưới điện. Đồng thời, việc phát triển ĐMTMN sẽ góp phần tạo nguồn cung điện tại chỗ, góp phần đảm bảo cung ứng điện khi hệ thống điện Việt Nam không còn nguồn dự phòng.
Tổng giám đốc EVN chỉ đạo các Ban chuyên môn EVN và các tổng công ty điện lực nghiên cứu công bố thông tin về khả năng hấp thụ nguồn ĐMTMN tại các khu vực để nhà đầu tư xem xét vị trí, quy mô đầu tư hệ thống ĐMTMN phù hợp. Đồng thời, đưa ra hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn để hỗ trợ nhà đầu tư lựa chọn công nghệ phù hợp.
Các Ban chuyên môn EVN cũng cần ban hành hướng dẫn triển khai ĐMTMN cụ thể tới các đơn vị điện lực, trong đó thống nhất quan điểm, thể hiện cách làm việc rõ ràng, công khai, minh bạch của EVN. Đồng thời, tiếp tục quảng bá mạnh hơn nữa tới từng hộ dân, từng người dân về hiệu quả ĐMTMN. Các Điện lực cũng cần có tư vấn tới khách hàng để lựa chọn công suất lắp đặt ĐMTMN phù hợp, với quan điểm tự tiêu thụ điện tại chỗ là chủ yếu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là nước nhiệt đới gió mùa, nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu bắc, thiên về chí tuyến hơn là phía xích đạo. Vị trí đó đã tạo cho Việt Nam có một nền nhiệt độ cao, trung bình từ 22ºC đến 27ºC. Số giờ nắng khoảng 1.500-2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100 kcal/cm².
Đánh giá về tiềm năng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Shire Oak International - Nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh Quốc cho rằng, mảnh đất hình chữ S là một trong những thị trường đầy tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng mặt trời.
Trao đổi với PV, đại diện Shire Oak International cho biết, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam yêu cầu hơn 6,000MW công suất điện bổ sung qua từng năm. Trong khi đó, Chính phủ đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính hàng năm ít nhất 8% cho tới năm 2030. Cùng với sự hỗ trợ quốc tế, mức giảm này có thể tăng lên 25% và điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo.
“Lĩnh vực sản xuất đang bùng nổ tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy những nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Việt Nam hiện có diện tích các khu công nghiệp lên tới 98.000 ha, phần lớn các khu công nghiệp tập trung ở phía Nam - khu vực hiện thiếu nguồn cung điện, tuy nhiên lại tập trung tiềm năng lượng mặt trời vô cùng dồi dào” – đại diện Shire Oak International cho hay.
Shire Oak International là nhà đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời đến từ Anh Quốc hiện đang triển khai hơn 720 dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (44 nghìn tỷ đồng) trên khắp Việt Nam.
Được thành lập vào năm 2002, Shire Oak International là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Anh và châu Âu. Những thành tựu có thể kể đến của công ty bao gồm việc xúc tiến phát triển dự án khai thác điện từ năng lượng thủy triều đầu tiên trên thế giới tại Vịnh Swansea, dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Vương quốc Anh tại West Raynham và các dự án năng lượng hàng đầu khác ở Tây Ban Nha.
Tại Việt Nam, Shire Oak International đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các tổ chức trong ngành năng lượng và các doanh nghiệp để tăng cường công suất điện mặt trời trên toàn quốc.
Bằng cách lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp lên mái xưởng của khách hàng, Shire Oak International khai thác nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững.
Theo báo cáo của Ban Kinh doanh EVN, tính đến thời điểm ngày 7/6/2020, trên cả nước đã có hơn 31.100 hệ thống ĐMTMN, với tổng công suất lắp đặt hơn 640MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 145 triệu kWh, tổng số tiền điện EVN đã thanh toán cho các khách hàng là hơn 300 tỉ đồng.