Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật đỉnh cao trong chẩn đoán hình ảnh
Y học Việt Nam có nhiều tiến bộ, đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh với ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, ung thư, tiêu hóa...
Những năm qua, nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã làm chủ được lĩnh vực điện quang can thiệp, nhất là chẩn đoán hình ảnh được đầu tư công nghệ mới nhất trên thế giới, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.
GS-TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam đã cho biết như vậy tại sự kiện "Cập nhật công nghệ chẩn đoán hình ảnh RSNA 2023" diễn ra tối 11-1, tại Hà Nội.
Tại đây, GS Thông và các chuyên gia đã chia sẻ những sáng tạo mới nhất vừa được giới thiệu tại hội nghị thường niên 2023 của Hiệp hội điện quang Bắc Mỹ (RSNA), bao gồm hơn 40 cải tiến đột phá và các giải pháp hỗ trợ AI từ các thiết bị và giải pháp đa dạng.
Đặc biệt, chẩn đoán hình ảnh là chuyên ngành y khoa có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh.
Thông qua các thiết bị chẩn đoán hiện đại như: máy chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, máy chụp mạch số hóa xóa nền… các bác sĩ có thể đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị bệnh một cách nhanh chóng và chính xác, góp phần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao trong chẩn đoán sớm, điều trị bệnh.
Đáng chú ý, những thiết bị có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã tối ưu hóa quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả, sàng lọc sớm và điều trị các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh… ngày càng tốt hơn.
Theo các chuyên gia, hiện nay các trang bị, máy móc hiện đại đã được trang bị tới các bệnh viện tuyến tỉnh, các vật liệu can thiệp sẵn có và được BHYT chi trả một phần chi phí, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận được các kỹ thuật cao.