Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim: Nhiều tiềm năng

Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim 'Love in Vietnam' (Tình yêu Việt Nam). Những tiềm năng và thách thức về sự hợp tác giữa hai thị trường đã được các chuyên gia bàn đến.

Ngày 27-8, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức hội thảo hợp tác phim ảnh giữa Ấn Độ và Việt Nam tại TP.HCM. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội xin chào Việt Nam 2024 (Nameste Vietnam Festival) diễn ra từ 25 đến 31-8.

 Hội thảo hợp tác phim ảnh giữa Ấn Độ và Việt Nam tại TP.HCM nằm trong khuôn khổ "Lễ hội xin chào Việt Nam 2024" diễn ra từ 25 đến 31-8.

Hội thảo hợp tác phim ảnh giữa Ấn Độ và Việt Nam tại TP.HCM nằm trong khuôn khổ "Lễ hội xin chào Việt Nam 2024" diễn ra từ 25 đến 31-8.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề được đặt ra như khả năng, tiềm năng và thách thức về việc hợp tác sản xuất phim giữa Ấn Độ và Việt Nam; ảnh hưởng của điện ảnh đối với sự phát triển của quốc gia;… nhận được sự quan tâm của đông đảo diễn giả Việt Nam lẫn Ấn Độ.

Việt Nam - Ấn Độ lần đầu kết hợp làm phim

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM, cho biết Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim mang tên Love in Vietnam (Tình yêu Việt Nam).

Bộ phim khắc họa tình yêu giữa nam diễn viên Ấn Độ và nữ diễn viên Việt Nam. Bộ phim sẽ quay nhiều địa phương tại Việt Nam như Đà Lạt, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết thêm câu chuyện văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật và con người Việt Nam cũng sẽ được đưa vào phim.

Tiếp lời Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM, ông Huỳnh Thành Lập, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ TP.HCM cũng khẳng định sự hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh giữa Ấn Độ và Việt Nam với dự án Love in Vietnam (Tình yêu Việt Nam) sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến công chúng Ấn Độ và quốc tế.

 Diễn viên Thu Trang cùng các diễn viên nữ của Ấn Độ tại buổi hội thảo.

Diễn viên Thu Trang cùng các diễn viên nữ của Ấn Độ tại buổi hội thảo.

Thị trường phim Việt Nam - Ấn Độ có nhiều tiềm năng

Tại hội thảo, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết khi hợp tác sản xuất một dự án phim, điều khó khăn nhất là làm sao tiếp cận, phát hành một dự án phim cũng như thương mại hóa một bộ phim đó tại thị trường quốc tế.

 Đạo diễn Võ Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa phát biểu tại hội thảo.

Trước thắc mắc này, ông Captain Rahul Bali, Nhà sản xuất phim Love in Vietnam nhận định đây là "một câu hỏi triệu USD" và cho biết câu hỏi này ngay cả những nhà làm phim ở Ấn Độ vẫn đang tìm kiếm câu trả lời.

Tuy nhiên, ông Captain Rahul Bali nhận định để một dự án phim tiếp cận được thị trường phim của quốc gia khác, điều đầu tiên chính là cân nhắc danh sách chiếu phim cũng như tìm hiểu xu hướng xem của khán giả tại thị trường đó.

"Hãy thực hiện những dự án có sự phù hợp về văn hóa đối với quốc gia đó. Ví dụ như phim Ong Bak - Truy tìm tượng Phật của Thái Lan đến với thị trường Ấn Độ được đông đảo khán giả tiếp nhận vì có yếu tố Phật giáo, đây là yếu tố Ấn Độ rất xem trọng.

Làm như vậy sẽ giúp cho khán giả tò mò tìm hiểu và xem phim nhiều hơn" – ông Captain Rahul Bali nhận định.

 Ông Captain Rahul Bali, Nhà sản xuất phim Love in Vietnam. Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim này.

Ông Captain Rahul Bali, Nhà sản xuất phim Love in Vietnam. Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim này.

Nói thêm về tiềm năng khi Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim, ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, nhận định thị trường của Việt Nam đang phát triển rất nhanh số lượng rạp phim; số lượng phim ra rạp ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, sau đại dịch, số lượng người ra rạp cũng tăng, đây là một trong những yếu tố tiên quyết đối với một thị trường thu hút các nhà làm phim.

 Ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế TP.HCM.

Ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng trăn trở: "Như phim Mai của Trấn Thành, tính bản địa, bình dị, gần gũi với người dân Việt Nam là yếu tố thu hút khán giả trong nước nhưng cũng là thách thức đối với các dự án tương tự. Vì khi các dự án như vậy vươn ra thị trường quốc tế, cộng đồng người Việt chưa đủ lớn liệu có thể thu hút khán giả quốc tế được hay không?".

Bên cạnh đó, theo ông Toàn, nền tảng phát phim trực tuyến của nội địa lẫn quốc tế đang phát triển rất mạnh, cũng giúp phim Việt Nam ra thị trường rộng hơn.

Đối với thị trường phim Ấn Độ, ông Toàn nhận định: "Việt Nam chắc chắn sẽ là lợi thế cho các nhà làm phim Việt Nam nếu chúng ta biết cách khai thác hợp tác sản xuất phim".

Theo ông Toàn, chi phí sản xuất phim ở Ấn Độ của các nước phương Tây rất thấp, đồng thời hạ tầng phát triển điện ảnh rộng khắp quốc gia, đó là lợi thế để họ thu hút được đầu tư hợp tác và sản xuất phim.

Cuối cùng, công nghệ thông tin của Ấn Độ đạt top đầu thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ chủ yếu ở Ấn Độ và các nền tảng phát triển mạnh, do đó, khi Việt Nam hợp tác phát hành phim sẽ giúp cho phim Việt tiếp cận được đông đảo lượt xem.

"Tiềm năng cả hai thị trường nếu kết hợp được thế mạnh thì sẽ có những dự án phim tốt. Bên cạnh đó, vấn đề tâm linh, tôn giáo giữa hai quốc gia cũng có sự tương đồng, nếu khai thác những yếu tố đó thì cũng dễ phát hành hơn" - ông Toàn nhấn mạnh.

Chính quyền đóng vai trò quan trọng

Ông H.E. Dr. Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ nhận định Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác sản xuất các dự án phim. Việt Nam đã có những chính sách để thu hút các nhà làm phim trên thế giới đến với Việt Nam.

"Có thể nói, đối với ngành phim cần có nhiều chủ đề khác nhau, đó chính là yếu tố khiến du khách có sự thích thú để tìm hiểu, từ đó sẽ giúp cho khách du lịch tìm đến.

Vấn đề chính sẽ hỗ trợ về mặt tài chính, thủ tục, kinh phí cho các nhà làm phim giúp cho các nhà làm phim tiếp cận được địa điểm quay và chúng tôi cam kết hỗ trợ điều này" - ông Madan Mohan Sethi nhận định.

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-lan-dau-ket-hop-an-do-lam-phim-nhieu-tiem-nang-post807197.html